Theo đó, làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai; hoàn thiện quy định về các đối tượng sử dụng đất để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các luật khác có liên quan. Bảo đảm về kinh tế đất đai; giá đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai. Thông qua đó, quản lý, sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, nhằm khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất tập trung, quy mô lớn; hoàn thiện quy định về quyền của người sử dụng đất và chế độ sử dụng các loại đất; hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai...
Theo đánh giá của các nhà quản lý, kết quả thực hiện chính sách pháp luật đất đai gần 35 năm qua (từ khi có Luật Đất đai năm 1987 đến nay) cho thấy giai đoạn đầu khi Nhà nước ban hành và thực hiện Luật Đất đai (1987), Luật Đất đai (1993) thì các quan hệ giữa Luật Đất đai và pháp luật có liên quan tương đối ổn định, không có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, do giai đoạn này hệ thống các luật ngành, lĩnh vực còn thiếu hoặc chưa được ban hành. Tuy nhiên, kể từ năm 2003 trở lại đây, sau khi Luật Đất đai (2003) được ban hành, hàng loạt luật có liên quan đến quan hệ đất đai, cũng được ban hành và có các quy định giao thoa đối với lĩnh vực đất đai như Luật Nhà ở (2005), Luật Kinh doanh bất động sản (2006), Luật Quản lý tài sản nhà nước (2008), Luật Đầu tư (2005)...
Đến năm 2013, Luật Đất đai năm 2013 được ban hành, tiếp theo đó là một loạt luật có liên quan khác cũng ra đời như: Luật Đấu thầu (2013), Luật Kinh doanh bất động sản (2014), Luật Lâm nghiệp (2017), Luật Quản lý tài sản công (2017)… Việc ban hành nhiều văn bản luật là để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội trong nền kinh tế thị trường đang phát triển tại Việt Nam là xu hướng tất yếu. Nhưng cũng tạo ra hệ quả là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan điều chỉnh quan hệ đất đai, bất động sản trở nên đồ sộ với rất nhiều văn bản dưới luật quy định chi tiết thi hành. Điều này dẫn đến tình trạng một số cơ quan, tổ chức cho rằng có sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa một số quy định của pháp luật liên quan đến đất đai cần sớm được thống nhất.
Tại kỳ họp thứ 2, khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Theo đó, xác định rõ mục tiêu bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42-43%. Nghị quyết cũng quy định sửa đổi Luật Đất đai và pháp luật có liên quan.
Trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, các kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, nghị quyết của Quốc hội và kết quả tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đất đai, bổ sung các chính sách mới để điều chỉnh một số nội dung phát sinh trong thực tiễn là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tạo thuận lợi cho các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tập trung rà soát, tổng kết, đánh giá nhằm xây dựng chính sách pháp luật về đất đai hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi bức xúc đặt ra từ thực tiễn cuộc sống…