Quy hoạch cầu Thủ Thiêm 4 cần gắn với phát huy lợi thế sông nước

Làm thế nào để cách tiếp cận “thiết kế và tĩnh không” cầu Thủ Thiêm 4 đặt vị trí cây cầu trên tổng thể của cả dòng sông Sài Gòn, cụ thể là khu vực cảng Nhà Rồng-Khánh Hội nhằm vừa không đánh mất giá trị về lịch sử, văn hóa vừa gắn với mục tiêu phát triển xứng tầm nền kinh tế sông nước hàng trăm năm của Thành phố Hồ Chí Minh là vấn đề được bàn luận, trăn trở, kỳ vọng mà các chuyên gia về quy hoạch, lịch sử, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nêu ra tại hội thảo “Ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực cảng Sài Gòn” do Báo Nhân Dân tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 18/8.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu dự Hội thảo: “Ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực Cảng Sài Gòn”. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Các đại biểu dự Hội thảo: “Ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực Cảng Sài Gòn”. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Không nên “chặn đứng” tàu đi sâu vào thành phố!

Từ năm 2008 đến năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh khánh thành các công trình bắc qua sông Sài Gòn, gồm: năm 2008 khánh thành cầu Thủ Thiêm, năm 2009 khánh thành cầu Phú Mỹ, năm 2011 thông xe hầm Thủ Thiêm, năm 2022 khánh thành cầu Thủ Thiêm 2 (nay là cầu Ba Son). Cùng với đó, cầu Thủ Thiêm 4 đang trong quá trình lập dự án, thiết kế, xúc tiến đầu tư góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trục chính của thành phố, nhất là khu vực phía đông và phía nam; mở ra tiềm năng phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, đặc biệt là khai thác tối đa lợi thế của dòng sông Sài Gòn.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng Tư vấn tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện cơ chế đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, khu vực cảng Nhà Rồng-Khánh Hội có lợi thế đặc biệt vì có hơn 1.800 m bờ sông, rộng 30 ha và đoạn sông tuyệt đẹp. Thành phố Hồ Chí Minh nên tận dụng vị trí của cảng Nhà Rồng-Khánh Hội để xây dựng một cảng du lịch tàu biển đón du khách trong và ngoài nước với mục tiêu biến nơi đây thành trung tâm hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ, kinh tế đêm của thế giới. "Trường hợp chúng ta bàn chuyện xây cầu trước, xong mới xác định mảnh đất Cảng Sài Gòn làm gì, sẽ quá muộn. Tôi mong lãnh đạo thành phố biến nơi này trở thành trung tâm sầm uất nhất, vùng kinh tế đêm mà chỉ Thành phố Hồ Chí Minh mới có", Tiến sĩ Trần Du Lịch nêu quan điểm.

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cầu Thủ Thiêm 4 của Công ty TNHH Tư vấn thiết kế BR: Cầu Thủ Thiêm 4 sẽ chạy từ trước giao lộ cầu Tân Thuận-Nguyễn Văn Linh (Quận 7) khoảng 200 m rồi đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh hiện hữu, đến ngã tư giao với Huỳnh Tấn Phát thì rẽ trái. Sau đó cầu kết nối vào đường Lưu Trọng Lư, cắt qua khu cảng Tân Thuận; vượt qua sông Sài Gòn và nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm (Thành phố Thủ Đức).

Đại diện đơn vị tư vấn thiết kế cũng đưa ra 5 phương án thiết kế tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4, trong đó ba phương án hướng tới chiều cao tĩnh không 10 m; một phương án chiều cao tĩnh không đạt mức 15 m và một phương án chiều cao tĩnh không có thể lên tới 45 m.

Nhà sử học Dương Trung Quốc băn khoăn: Tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 dự kiến theo thiết kế chỉ 10 m là rất lạ khi sẽ “chặn đứng” những con tàu đi sâu vào thành phố. Chúng ta phải cố gắng giữ lấy biểu trưng “Thành phố Cảng” vì nếu không quan tâm tĩnh không cây cầu thì sông Sài Gòn vốn đi sâu vào trong lòng thành phố sẽ có khả năng bị “đứt đoạn”…

Ông Nguyễn Hải Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Vinaconex trăn trở: Nếu cầu Thủ Thiêm 4 chỉ có tĩnh không 10-15 m thì quả là bất cập. Ở vùng đất này, dòng sông này, trên bến dưới thuyền không gì thay thế được. Mỗi du khách đến thành phố đều sẽ phải đến đây, để hiểu hơn về thành phố của chúng ta, một thành phố gắn với dòng sông Sài Gòn có tuổi đời hơn 300 năm cho nên chúng ta không thể lãng quên mà cần phát huy hơn nữa thế mạnh vốn có của bến cảng Nhà Rồng-Khánh Hội.

Đừng để đánh mất “lợi thế vàng”

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố có 101 tuyến giao thông đường thủy với tổng chiều dài 913 km. Thành phố đã triển khai nhiều tuyến đường thủy tập trung ở trung tâm, thuận lợi trong việc vận chuyển hành khách kết hợp du lịch đường thủy. Ngoài ra, thành phố có gần 150 chương trình tour, gói, sản phẩm đường thủy của hơn 100 doanh nghiệp. Điều này cho thấy sản phẩm du lịch đường thủy ngày càng được đa dạng, từ các tuyến du lịch tầm ngắn, tầm trung, tầm xa, tầm xa liên vận quốc tế và đa dạng các loại phương tiện đường thủy.

Bà Hiếu cho biết thêm, thành phố đặt ra mục tiêu số lượng khách du lịch đường thủy đến thành phố năm 2023 và 2024 đạt khoảng 500.000 lượt khách/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo. Doanh thu du lịch đường thủy năm 2023 và 2024 đạt 300 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo.

Sở Du lịch cũng đề xuất thành phố có chính sách liên quan đến việc tiếp nhận các tàu biển lớn được cập cảng biển ở khu vực trung tâm thành phố nhằm khai thác hiệu quả Cảng Sài Gòn; kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển tuyến vận tải hành khách từ Sài Gòn đi Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và ngược lại…

Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn thông tin tại hội thảo: Thực tế cho thấy, 95% số du khách tới Thành phố Hồ Chí Minh bằng đường thủy tiếp tục muốn đi sâu hơn vào trung tâm thành phố. Tuy nhiên, hiện nay, phương tiện duy nhất khả thi vẫn chủ yếu là xe cơ giới. Do đó, ông Tâm kỳ vọng, nếu hệ thống giao thông đường thủy được kết nối tốt hơn sẽ tạo nên một lợi thế cực kỳ lớn về du lịch cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Về khía cạnh du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), so sánh: Với lợi thế về đường thủy, Thành phố Hồ Chí Minh có thể đón du khách với số lượng cao gấp 10 lần số lượng khách của một tàu bay. Du lịch biển tiếp cận được vào trung tâm thành phố là một lợi thế không phải thành phố nào cũng có được nên đây chính là lợi thế “vàng” không nên đánh mất. Từ đó, ông Kỳ đề đạt, nâng tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 có thể tăng chi phí hiện tại nhưng sẽ rẻ hơn rất nhiều nếu nhìn vào tương lai. Chúng tôi thật sự mong muốn thành phố tính toán lại để không đánh mất lợi thế quan trọng này.

Tiếp thu những trao đổi và ý kiến đưa ra tại hội thảo, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Trần Quang Lâm cho biết: Quy hoạch của cầu Thủ Thiêm 4 đã có hơn 10 năm trước. Do đó, trong quá trình triển khai, Sở Giao thông vận tải đã rất thận trọng, thường xuyên lắng nghe và tiếp thu các ý kiến liên quan, đồng thời nghiên cứu nhiều phương án, kịch bản thiết kế, trong đó có cả phương án làm hầm.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố khẳng định, qua hội thảo, cơ quan chức năng đã sáng tỏ nhiều vấn đề. Sở Giao thông vận tải, với trách nhiệm cơ quan chuyên môn sẽ tiếp thu và báo cáo lại với lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố; cùng Sở Quy hoạch-Kiến trúc tham mưu, xem xét điều chỉnh cho phù hợp trên cơ sở tầm nhìn dài hạn. “Giao thông nhất định phục vụ việc phát triển kinh tế-xã hội, nhưng phải bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa-lịch sử”, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Lâm khẳng định.

Phát biểu tổng kết hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân bày tỏ sự cảm kích khi các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp, sở, ban, ngành đã thẳng thắn đóng góp ý kiến cho hội thảo. “Hội thảo đã đặt ra nhiều vấn đề quan trọng, vượt lên câu chuyện của những cây cầu, đó là câu chuyện về phát triển chiến lược của Thành phố Hồ Chí Minh. Thiết kế tĩnh không cầu cao, hay phương án cầu xoay, cầu mở sẽ giúp khu vực cảng Sài Gòn đón nhận được tàu biển cập bến, từ đó có thể quy hoạch lại khu vực cảng Sài Gòn thành cảng du lịch quốc tế để phát triển kinh tế ven sông. Ngược lại, thiết kế tĩnh không cầu thấp sẽ đánh mất đi tiềm năng phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch của thành phố”, đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh.