Trừ điểm giấy phép lái xe là biện pháp mang tính nhân văn
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt câu hỏi việc trừ điểm sẽ được tiến hành thế nào? Mức trừ điểm có lộ trình thế nào? Những lỗi vi phạm không nghiêm trọng và nghiêm trọng thì mức trừ có khác nhau hay không?
Đại biểu cho rằng, cần xem xét, cân nhắc, quy định cụ thể rõ ràng tường minh hơn, để tránh việc lợi dụng, lạm dụng trong thực thi công vụ khi thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến nội dung này, cũng như tránh đối tượng sử dụng phương tiện giao thông vi phạm ở mức nghiêm trọng nhưng chỉ bị trừ điểm đối với các hành vi ít nghiêm trọng khác.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt vấn đề trong phiên thảo luận. (Ảnh: DUY LINH) |
Đồng tình với quy định trừ điểm giấy phép lái xe, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng nhấn mạnh cần thiết phải quy định cụ thể, rõ ràng hơn nội dung này.
“Những vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng bị trừ điểm thế nào thì dự thảo chưa nêu được cụ thể. Những hành vi vi phạm nào thì bị trừ điểm, còn hành vi vi phạm nào chưa đến mức trừ điểm cũng chưa quy định cụ thể. Cần phải quy định chi tiết để tránh sự lạm dụng trong việc trừ điểm này”, đại biểu Hòa nêu ý kiến.
Theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, việc thực hiện trừ điểm giấy phép lái xe là rất nhân văn. Thay vì tạm giữ bằng lái, ảnh hưởng đến cuộc sống của những người hành nghề lái xe thì nay việc trừ điểm này sẽ ít làm ảnh hưởng đến họ.
Lái xe bị trừ hết điểm phải kiểm tra kiến thức về trật tự, an toàn giao thông
Trong báo cáo về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật gửi hội nghị, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, việc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe trong dự thảo Luật là cần thiết.
Trong điều kiện phát triển kinh tế số, xã hội số, khoa học công nghệ ngày càng phát triển thì việc ứng dụng công nghệ số trong xử lý vi phạm giao thông là tất yếu, kể cả việc tính điểm, trừ điểm giấy phép lái xe như một số nước (Trung Quốc, Đức, Singapore, Nhật Bản) hiện nay đang thực hiện.
Quy định này vừa giúp quản lý chặt chẽ người được cấp giấy phép lái xe, vừa tạo điều kiện cho những người này có cơ hội điều khiển phương tiện khi người đó cố gắng, chấp hành tốt quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận sáng 27/3. (Ảnh: DUY LINH) |
Bên cạnh đó, quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, việc tái phạm, sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.
Người lái xe vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở mức độ nghiêm trọng sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe và trong thời hạn 12 tháng không bị trừ điểm khi đang còn điểm sẽ được phục hồi đủ 12 điểm. Trường hợp bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ (không phải kỳ thi sát hạch cấp giấy phép lái xe) và khi có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị để bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, cần bổ sung quy định về trừ điểm giấy phép lái xe là biện pháp xử phạt bổ sung và sửa quy định về hình thức xử phạt bổ sung trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Thường trực Ủy ban đã phối hợp Cơ quan soạn thảo xây dựng một điều về điểm của Giấy phép lái xe như trong dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định các nguyên tắc về trừ điểm, phục hồi điểm. Đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm bị trừ điểm giấy phép lái xe, thẩm quyền trừ điểm, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm, phục hồi giấy phép lái xe.
Theo báo cáo của Chính phủ thì mỗi năm cơ quan chức năng tước có thời hạn trên 500 nghìn giấy phép lái xe. Khi bị tước, người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, dẫn đến tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, sản xuất kinh doanh, đời sống hàng ngày của người dân.
Việc tước giấy phép lái xe đang thực hiện thủ công, nhiều người vi phạm bỏ giấy phép không đến lấy, tồn đọng nhiều giấy phép lái xe tại cơ quan xử phạt, dẫn đến lãng phí, tăng chi phí, nguồn lực quản lý, nhưng vẫn chưa quản lý được quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe.