Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV:

Quy định rõ điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân

NDO -

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở mới đây, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đề nghị quy định rõ về tổ chức, điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp nhà nước; cũng như vai trò, nhiệm vụ của Công đoàn cơ sở trong chỉ đạo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) phát biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. (Ảnh: KHOA NGUYÊN)
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) phát biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. (Ảnh: KHOA NGUYÊN)

Tham gia thảo luận, các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Cho ý kiến về nội dung Thanh tra nhân dân quy định tại Chương V của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, việc chuyển quy định về Thanh tra nhân dân từ Luật Thanh tra sang dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là hợp lý, tuy nhiên cần có những quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng để bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện.

Đại biểu cho biết hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước hiện nay chưa thực sự phát huy được vai trò, hiệu quả trong kiểm tra, giám sát tại cơ sở. Nguyên nhân là do địa vị pháp lý và cơ chế hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân không thể thực hiện được chức năng nhiệm vụ mà pháp luật đã quy định, khi Ban Thanh tra nhân dân giám sát người đứng đầu, nhưng lại phải thực hiện nhiệm vụ do người đứng đầu giao.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị xem xét có phương hướng để xử lý vấn đề này, đồng thời cân nhắc bổ sung quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được bỏ phiếu đánh giá người đứng đầu sau khi thực hiện nội dung kiếm điểm, đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức hằng năm của đơn vị.

Cùng với đó, cần bổ sung quy định về trách nhiệm của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở trong chỉ đạo hoạt động Ban Thanh tra nhân dân. Cụ thể, phối hợp với người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, hoặc Hội nghị người lao động để bầu Ban Thanh tra nhân dân. Ra văn bản công nhận Ban Thanh tra nhân dân và thông báo cho cán bộ, công nhân, viên chức trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước; tổ chức cuộc họp của Ban Thanh tra nhân dân để Ban thanh tra nhân dân bầu Trưởng ban, Phó Trưởng ban, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên...

Quy định rõ điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân -0
Đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) phát biểu thảo luận tổ. (Ảnh: LINH NGUYÊN)

Theo đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội), việc đưa nội dung Thanh tra nhân dân sang quy định tại dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cần phải có sự đánh giá tác động, quá trình tổ chức thực hiện trong thời gian qua, cũng như các hạn chế, nguyên nhân để từ đó đưa ra những quy định cụ thể.

Nhấn mạnh Ban Thanh tra nhân dân là tổ chức tự quản được bầu ra, đại biểu cho rằng cần quy định rõ chế độ làm việc, chế độ chính sách đào tạo, bồi dưỡng để những người làm công tác thanh tra nhân dân thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình.

Làm rõ quy định về Thanh tra nhân dân trong phiên thảo luận ở tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc chuyển Chương Thanh tra nhân dân từ Luật Thanh tra sang dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là đúng đắn.

Nhắc đến phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chủ tịch Quốc hội cho rằng để làm được khâu “dân kiểm tra, dân giám sát”, ngoài việc thông qua công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thì phải bảo đảm được hoạt động thanh tra nhân dân.

Quy định rõ điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân -0
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến về dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong phiên thảo luận tại tổ. (Ảnh: LINH KHOA)

“Thanh tra nhân dân nghĩa là dân đi thanh tra, là thanh tra của dân; quy định này nhằm bảo đảm dân có thiết chế để thanh tra, giám sát các cơ quan, cán bộ nhà nước”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội đề xuất trong dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định mỗi một cơ quan đều phải ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó cần quy định rõ cái gì dân cần phải biết, cái gì cần phải công khai, hình thức công khai thế nào, cái gì dân phải bàn…

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV