Quốc tế hoan nghênh COP29 đạt thỏa thuận tài chính vào phút chót

Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ hoan nghênh thỏa thuận tài chính đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), coi đây là bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống tình trạng nóng lên toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
COP29 được tổ chức tại thủ đô Baku, Azerbaijan.
COP29 được tổ chức tại thủ đô Baku, Azerbaijan.

Ông Joe Biden khẳng định: “Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được các mục tiêu về khí hậu nhưng kết quả hôm nay giúp chúng ta tiến gần hơn một bước đáng kể”. Ông cũng nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc thúc đẩy các hành động chống biến đổi khí hậu, bất chấp sự hoài nghi về vấn đề khí hậu của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Bộ trưởng Năng lượng Anh Ed Miliband đánh giá thỏa thuận đạt được giữa gần 200 quốc gia tại COP29 là thỏa thuận quan trọng vào phút chót cho khí hậu. Ông nhận định, nếu khoản tài chính 300 tỷ USD mỗi năm này được các nước đang phát triển sử dụng đúng cách, nó có thể giúp giảm thiểu lượng khí thải tương đương với 1 tỷ xe ô-tô và có thể bảo vệ gần 1 tỷ người khỏi tác động của biến đổi khí hậu. Ông khẳng định Anh sẽ duy trì hợp tác với các quốc gia khác trước khi COP30 diễn ra tại Brazil.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định, thỏa thuận tài chính khí hậu vừa đạt được tại COP29 chưa đủ tham vọng. Ông kêu gọi các quốc gia coi đây là nền tảng để xây dựng các cam kết khí hậu tiếp theo, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ đầy đủ và đúng hạn thỏa thuận này. Các nước cần đưa ra các kế hoạch hành động khí hậu quốc gia mới trước khi diễn ra COP30 như đã cam kết.

Sau hai tuần đàm phán căng thẳng tại Azerbaijan, các quốc gia phát triển đã cam kết sẽ chi ít nhất 300 tỷ USD mỗi năm, từ nay đến năm 2035, để giúp các nước đang phát triển “xanh hóa” nền kinh tế và nâng cao khả năng ứng phó thảm họa khí hậu. Ngoài ra, gần 200 nước tham gia COP29 cũng đạt được thỏa thuận về các quy tắc cho một thị trường tín chỉ carbon toàn cầu. Thị trường này được đánh giá sẽ huy động hàng tỷ USD cho các dự án mới giúp chống lại tình trạng nóng lên của Trái đất.

Thỏa thuận về thị trường tín chỉ carbon đạt được xoay quanh cách bảo đảm giảm phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu một cách đáng tin cậy. Sau khi đạt được thỏa thuận cho phép hệ thống giao dịch tập trung của Liên hợp quốc được triển khai sớm nhất vào năm tới, các nhà đàm phán đã cố gắng thống nhất các chi tiết về một hệ thống song phương riêng biệt để các quốc gia có thể giao dịch trực tiếp. Theo giới phân tích, thỏa thuận này tạo ra sự cân bằng phù hợp cho một bộ quy tắc rõ ràng, để bảo đảm tính toàn vẹn và minh bạch mà không hạn chế khả năng tham gia của các quốc gia.