Theo thông báo của Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội, đây là cuộc Tọa đàm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV do Văn phòng Quốc hội phối hợp Ủy ban Kinh tế phối hợp tổ chức.
Mặc dù quy mô chưa lớn vì tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tuy nhiên, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cho biết, Tọa đàm có ý nghĩa rất quan trọng.
Tọa đàm là một nội dung của Diễn đàn kinh tế, xã hội thường niên của Quốc hội đã được Đảng đoàn Quốc hội thống nhất ban hành kế hoạch thực hiện, dự kiến sẽ bắt đầu diễn ra vào đầu năm 2022.
Mục tiêu của Diễn đàn góp phần phát huy tối đa, tập hợp đầy đủ trí tuệ, đóng góp không chỉ của các vị đại biểu Quốc hội mà còn thu hút, hình thành mạng lưới các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu hàng đầu trong nước và của các tổ chức quốc tế.
Theo đó, phạm vi Diễn đàn mở rộng về nội dung, quy mô, không chỉ các vấn đề kinh tế mà còn đề cập sâu sắc về các vấn đề xã hội, môi trường.
Qua đó, góp phần tiếp tục đổi mới cải tiến nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, nâng cao chất lượng giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, năng lực dự báo với tầm nhìn dài hạn, tổng thể; đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021- 2030, triển khai các nghị quyết của Quốc hội nhất là các vấn đề về kinh tế vĩ mô, tài chính, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài nguyên, môi trường, lao động, việc làm, an sinh xã hội...
Theo chương trình làm việc, đại biểu tham dự là lãnh đạo một số ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành của Chính phủ, các viện nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp và một số tổ chức quốc tế: Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)...
Ban Tổ chức cho biết, cuộc Tọa đàm sáng nay tập trung vào hai vấn đề: Đánh giá diễn biến của thị trường tài chính, đầu tư, thương mại toàn cầu năm 2021, diễn biến mới nhất của kinh tế thế giới và đưa ra các dự báo tác động tới Việt Nam.
Nội dung khác là đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 với kinh tế, xã hội Việt Nam, việc thực hiện Chiến lược tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, bài học kinh nghiệm trong ban hành chính sách, các kiến nghị, giải pháp cho Việt Nam từ nay tới cuối năm và các năm tiếp theo của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Các đại biểu dự Tọa đàm sáng nay nghe đại diện Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương và một số tố chức, nhà nghiên cứu trình bày tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022; một số báo cáo cập nhật diễn biến mới nhất của kinh tế thế giới và dự báo tác động đến Việt Nam trong năm 2022; nghe kết quả nghiên cứu, đánh giá của Nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế quốc dân “Tháo gỡ đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19”.
Trong số các chủ đề tham luận của các chuyên gia kinh tế, tổ chức quốc tế trình bày tại Tọa đàm sáng nay, nhiều diễn giả quan tâm đề cập chủ đề làm thế nào để các nước trong khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam tận dụng đại dịch Covid-19 để đẩy nhanh phát triển kinh tế số và chuyển đổi số.
Nhiều khuyến nghị, kiến nghị giải pháp được đề cập, cho rằng đây là thời điểm các bộ, ngành hữu quan cần khẩn trương rà soát khung pháp lý, chính sách hiện hành có liên quan đến chuyển đổi số và các định hướng trong Chiến lược chuyển đổi số và Chính phủ điện tử, xác định những bất hợp lý trên các phương diện khác nhau để có thể hoàn thiện khung pháp lý và chính sách liên quan đến chuyển đổi số.
Mặt khác, cần tăng cường đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng số và tăng cường cung cấp các dịch vụ qua công nghệ số đến tới người dân và doanh nghiệp; thúc đẩy đầu tư số hóa quản trị doanh nghiệp, nhất là lao động theo hướng minh bạch, kết nối với chương trình Chính phủ điện tử, số hóa quản lý dân cư; chủ động xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết và giao dịch, hợp tác lao động, việc làm trong thị trường khu vực và thị trường quốc tế…
Thông qua Diễn đàn và các cuộc tọa đàm, hội nghị chuyên đề, Ban Tổ chức cho biết sẽ hình thành các luận cứ khoa học thực tiễn có chất lượng, là đầu vào quan trọng để Quốc hội, Chính phủ tham vấn trong quá trình xây dựng các báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và các chức năng, nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật; thu hút sự quan tâm, giám sát của nhân dân, cử tri đối với các vấn đề mà xã hội quan tâm.