Sáng 16-11, với 420 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 87,14%), Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh.
Theo Nghị quyết mới được thông qua, chính quyền địa phương ở Thành phố Hồ Chí Minh là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố và Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố.
Chính quyền địa phương ở cấp quận và cấp phường tại Thành phố là UBND cấp quận và cấp phường; không tổ chức HĐND cấp quận, phường sau khi HĐND ở hai cấp này tại TP Hồ Chí Minh kết thúc nhiệm vụ vào ngày 30-6-2021.
Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các huyện, thành phố, xã, thị trấn của Thành phố được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021. Riêng việc tổ chức chính quyền đô thị quy định như trên được thực hiện từ ngày 1-7-2021 (sau khi HĐND quận, phường nhiệm kỳ 2016-2021 kết thúc nhiệm vụ vào ngày 30-6-2021).
Đáng chú ý, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, Nghị quyết đã được chỉnh lý theo hướng giữ nguyên số lượng đại biểu HĐND Thành phố gồm 95 đại biểu như quy định của Luật hiện hành nhưng điều chỉnh tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND Thành phố trong bối cảnh không tổ chức HĐND quận, phường.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh có thể bố trí tối đa là 19 đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, gồm Chủ tịch, hai Phó Chủ tịch; mỗi Ban của HĐND Thành phố có Trưởng Ban, hai Phó Trưởng Ban và một Ủy viên hoạt động chuyên trách tại Ban.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng bổ sung quy định HĐND TP Hồ Chí Minh tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND Thành phố đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức; trường hợp có từ hai phần ba tổng số đại biểu HĐND Thành phố trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì HĐND Thành phố đề nghị Chủ tịch UBND Thành phố xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Việc bổ sung quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận nhằm cụ thể hóa cơ chế chịu trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận trước HĐND Thành phố, tăng cường sự giám sát, kiểm soát quyền lực của chính quyền Thành phố đối với chính quyền địa phương ở quận. Đây là một kênh thông tin tham khảo quan trọng để người có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động công tác đối với chức danh Chủ tịch UBND quận.