Sáng 13/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV
Với kết quả 100% đại biểu có mặt biểu quyết tán thành (chiếm 96,19% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn, gồm: y tế; lao động, thương binh và xã hội; giáo dục và đào tạo; kế hoạch và đầu tư.
Đáng chú ý, đối với lĩnh vực y tế, Nghị quyết xác định đầu năm 2022, phấn đấu hoàn thành tỷ lệ tiêm chủng đủ liều vaccine bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100%, ưu tiên sớm tiêm cho người trên 50 tuổi (trừ đối tượng thuộc diện chống chỉ định tiêm); nghiên cứu chuẩn bị kỹ lưỡng tiêm cho trẻ dưới 18 tuổi; triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ ba. Trong năm 2022, sớm xem xét cấp phép sản xuất cho vaccine trong nước và đưa vào sử dụng, tiến tới tự chủ nguồn vaccine.
Đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, Nghị quyết xác định Đẩy nhanh việc triển khai các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, bảo đảm thuận lợi, chính xác, nhanh chóng. Rà soát, nghiên cứu để có đề xuất hỗ trợ kịp thời đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc đối tượng theo quy định đã ban hành, quan tâm nhóm đối tượng yếu thế. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách.
Khẩn trương đánh giá, làm rõ nguyên nhân, có giải pháp tổng thể để phục hồi, phát triển thị trường lao động trong nước. Trong năm 2021, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động và an sinh xã hội phù hợp với tổng thể Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, đặc biệt quan tâm việc phân bố lại dân cư và lao động trên phạm vi toàn quốc, việc đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng nghề, vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động, chính sách đối với lao động nữ, lao động khu vực phi chính thức và các đối tượng dễ bị tổn thương, bảo đảm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới...
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Nghị quyết yêu cầu đánh giá đầy đủ, chính xác tác động của dịch Covid-19, cả thách thức và cơ hội đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chủ động xây dựng chiến lược tổng thể, kế hoạch triển khai của ngành giáo dục và đào tạo thích ứng với dịch bệnh. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; kiểm soát chặt chẽ chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa; chú trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Đầu năm 2022, tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến, học tập qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, nhất là học sinh tiểu học; có giải pháp bảo đảm chất lượng, bổ sung kiến thức cho học sinh khi trở lại trường học. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là hoạt động dạy thêm, học thêm. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế tự chủ cho các trường đại học, định hướng phát triển các trường đại học, cao đẳng sư phạm. Tăng cường quản lý việc mở ngành đào tạo khối sức khỏe của các trường đại học...
Đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, xác định trong năm 2021, khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Năm 2021, phấn đấu phân bổ và giải ngân vốn ngân sách nhà nước đạt 90% dự toán Quốc hội giao; năm 2022, phân bổ và giải ngân vốn ngân sách nhà nước đạt 100% dự toán Quốc hội giao. Chậm nhất là 31/12/2022, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.
Sớm trình Quốc hội xem xét quyết định Đề án thí điểm tách công tác giải phóng mặt bằng và dự án tái định cư ra khỏi các dự án đầu tư công. Kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, trong đó tập trung cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn, các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình làm chậm, gây khó khăn, nhũng nhiễu, vi phạm quy định, tham nhũng, lãng phí về đầu tư công...
Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.