Ngày làm việc thứ 17, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV

Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn CPTPP

Ngày 12-11, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XIV sang ngày làm việc thứ 17. Buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; sau đó, các đại biểu QH thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðầu tư công.

Ðại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ảnh: DUY LINH
Ðại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ảnh: DUY LINH

Buổi chiều, QH làm việc tại hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan; tiếp đó các đại biểu QH thảo luận tại tổ về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Ðiều chỉnh cơ cấu nguồn vốn

Mở đầu phiên họp buổi sáng, QH nghe đại diện Ủy ban Thường vụ QH (TVQH) báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Báo cáo cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu QH, Ủy ban TVQH đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH tổ chức phiên họp toàn thể ngày 2-11-2018, phối hợp Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của QH và cơ quan Chính phủ tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

QH đã tiến hành biểu quyết với 89,48% tổng số đại biểu tán thành thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, Nghị quyết điều chỉnh tăng tổng mức vốn nước ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 từ 300 nghìn tỷ đồng lên cao nhất 360 nghìn tỷ đồng, đồng thời điều chỉnh giảm tương ứng vốn vay trong nước để đáp ứng yêu cầu giải ngân đối với những dự án sử dụng vốn nước ngoài; điều chỉnh giảm nguồn vốn cho các dự án quan trọng của quốc gia từ 80 nghìn tỷ đồng xuống 70 nghìn tỷ đồng. Cho phép sử dụng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 trên cơ sở bảo đảm khả năng cân đối vốn đầu tư của ngân sách nhà nước hằng năm và giữ mức trần đầu tư công hai triệu tỷ đồng... Ðối với vốn cân đối ngân sách địa phương: cho phép các địa phương được giao kế hoạch đầu tư công hằng năm nguồn vốn trong cân đối ngân sách địa phương trên cơ sở khả năng thu thực tế, bảo đảm không tăng mức bội chi của ngân sách địa phương hằng năm, triển khai tổng kết vào cuối kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đại biểu QH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) và một số đại biểu cho rằng, Luật Quản lý thuế được ban hành 10 năm, đã ba lần sửa đổi, song vẫn còn tình trạng nợ đọng thuế. Hiện nay, doanh nghiệp gối đầu nợ thuế dưới 90 ngày theo quy định bị phạt chậm nộp lãi suất bằng 0,03%/ngày trị giá thuế phải nộp. Nếu so sánh với luật hiện hành, dự thảo Luật lần này vẫn quy định như vậy sẽ không giải quyết được tình trạng nợ thuế và chậm nộp thuế. Hơn nữa, bộ máy hành chính nhà nước đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, song dự thảo Luật vẫn đề cập quyền của cán bộ thuế quá nhiều; hành vi nợ thuế, chậm nộp thuế là hành vi vi phạm pháp luật, song lại không được quy định ở hành vi nghiêm cấm trong dự thảo luật.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðầu tư công, một số đại biểu cho rằng, thời gian qua Chính phủ đã cố gắng xây dựng và trình QH dự thảo Luật và đưa ra nhiều điểm mới. Luật Ðầu tư công mới thực hiện được ba năm nhưng đến nay đã phải sửa đổi, bổ sung. Việc sửa đổi, bổ sung phải xuất phát từ thực tiễn, yêu cầu đặt ra; tránh tình trạng phải sửa đổi những vấn đề “chưa chín”. Có ý kiến nêu rõ, Luật cần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Ðảng, tuy nhiên, dự thảo Luật Ðầu tư công quy định về chế độ, trách nhiệm của người đứng đầu từ việc thẩm định đến quyết định dự án chưa rõ nét. Dự thảo Luật chỉ tập trung vào việc phân bổ nguồn lực, song hiệu quả đầu tư công chưa được quan tâm, sự phù hợp với thông lệ quốc tế trong hội nhập chưa được chú trọng. Trong thực tế, quy trình thủ tục đầu tư công kéo dài thời gian, thủ tục hành chính rườm rà, gây lãng phí nguồn lực. Việc giải ngân vốn ODA, Luật Ngân sách quy định giao theo dự án, nhưng theo Luật Ðầu tư công lại giải ngân theo tiến độ... Do vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung cho phù hợp thực tế.

Phê chuẩn CPTPP

Chiều cùng ngày, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với 469 đại biểu tán thành, chiếm tỷ lệ 96,70% tổng số đại biểu QH.

Thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, hầu hết đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành và tên gọi của Luật. Dẫn số liệu thống kê về 36% số vụ tai nạn giao thông do rượu, bia, trong đó nhiều nạn nhân còn rất trẻ, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) đề nghị bổ sung vào Ðiều 5 “Các hành vi bị nghiêm cấm” quy định cấm người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia hoặc cấm bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi. Ðồng thời, xem xét bổ sung quy định cấm quảng cáo rượu, bia trên các phương tiện quảng cáo cỡ lớn ngoài trời, trước và sau các chương trình phát thanh, truyền hình dành cho trẻ em. Ðối với quảng cáo liên quan rượu, bia trên in-tơ-nét, buộc phải có khuyến cáo với người dưới 18 tuổi.

Liên quan dự án Luật nêu trên, có đại biểu băn khoăn về quy định “sản xuất rượu thủ công bán cho cơ sở để chế biến lại thì phải đăng ký với UBND cấp xã” tại Ðiều 15 “Ðiều kiện kinh doanh rượu”. Hiện nay, tại các vùng nông thôn, miền núi, không ít cá nhân nấu rượu sử dụng hoặc cho, tặng, kinh doanh quy mô nhỏ. Chiếu theo dự án Luật, các cá nhân này có cần đăng ký hay không? Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Phi Long (Bình Ðịnh) cho rằng, Ban soạn thảo cần bổ sung những quy định khác nhau đối với các loại rượu, bia có nồng độ cồn khác nhau. Bởi nếu chỉ “cấm” mà không đưa ra sản phẩm thay thế có nồng độ cồn phù hợp, thì có khả năng dự án Luật khó đi vào cuộc sống.

Ðối với dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), có đại biểu đề nghị cân nhắc quy định “trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam” tại khoản 4, Ðiều 17. Bởi trại giam vốn được thành lập, xây dựng nhằm giáo dục, cải tạo phạm nhân. Việc triển khai các hoạt động liên quan giáo dục, cải tạo phạm nhân bên ngoài trại giam tiềm ẩn sự mất an toàn, dễ dẫn đến mất an ninh - trật tự trong cộng đồng người dân gần trại giam. Về việc thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại, có ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu kỹ phạm vi ảnh hưởng của dự án Luật đối với những bộ luật có các quy định liên quan pháp nhân thương mại như Luật Ðầu tư, Luật Phá sản... bởi đây là lần đầu khái niệm pháp nhân thương mại được đưa vào Luật Thi hành án
hình sự.

Ngoài việc giữ vững cam kết của thị trường mười nước thành viên CPTPP, việc chúng ta thông qua Nghị quyết phê chuẩn CPTPP là rất cần thiết để Việt Nam giữ thị trường, bảo đảm ổn định kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng mức thu nhập bình quân đầu người và tạo thêm việc làm.

Ðại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội)

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) phải bảo đảm thống nhất quy định về hành vi trốn thuế giữa Luật Quản lý thuế, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Bộ luật Hình sự, nhằm tạo sự đồng bộ trong chính sách pháp lý để xử lý có hiệu quả hành vi trốn thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Ðại biểu Nguyễn Công Hồng (Ðồng Nai)