Mở đầu phiên họp, các đại biểu đã nghe ông Hà Văn Hiền, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của QH trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu QH về dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2008.
Báo cáo cho biết, ngày 5-11-2007, các vị đại biểu QH đã thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2008. Đoàn thư ký kỳ họp cũng đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu QH về một số chỉ tiêu trong dự thảo Nghị quyết và đã có 340 đại biểu gửi phiếu trả lời.
Đa số ý kiến của các đại biểu QH tán thành với dự thảo Nghị quyết. Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo các cơ quan của QH làm việc với các cơ quan của Chính phủ để tiếp thu ý kiến các vị đại biểu QH hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết về mục tiêu tổng quát, đa số đại biểu nhất trí với dự thảo, một số ý kiến đề nghị bổ sung vấn đề giảm tai nạn và chống ùn tắc giao thông, cải cách hành chính vào mục tiêu tổng quát để thể hiện quyết tâm cải thiện rõ rệt vấn đề bức xúc này trong năm tới. Đồng thời, cần khẳng định trong năm 2008, phải “nâng cao” được chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân và chất lượng giáo dục, đào tạo thay vì chỉ “cải thiện” hoặc “coi trọng” như đã ghi trong dự thảo Nghị quyết. Ủy ban Thường vụ QH đã tiếp thu các ý kiến này và thể hiện như trong dự thảo Nghị quyết.
Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung: đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tệ nạn xã hội; cải thiện và nâng cao một bước đời sống người lao động, cán bộ, công chức, nông dân vào mục tiêu tổng quát. Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, những vấn đề rất quan trọng và bức xúc này được thể hiện cụ thể trong các nhiệm vụ chính thì hợp lý hơn, do đó không bổ sung vào đây.
Báo cáo cũng đã giải trình, tiếp thu về các chỉ tiêu chủ yếu (về kinh tế, xã hội, môi trường) các nhiệm vụ và giải pháp, trong đó nói rõ những vấn đề đã được tiếp thu và chỉnh lý, những vấn đề Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH xem xét, biểu quyết thông qua.
Thí dụ, chỉ số giá tiêu dùng, phương án 1: Chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Phương án 2: Chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%.
Sau khi nghe đọc toàn văn dự thảo Nghị quyết, một số đại biểu QH đã phát biểu ý kiến về một số vấn đề như: Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, về chỉ số giá tiêu dùng, về tốc độ tăng trưởng kinh tế, về cấp nước sinh hoạt cho nông thôn… nhằm hoàn thiện thêm dự thảo Nghị quyết.
Trên cơ sở đó, các đại biểu QH đã tiến hành biểu quyết thông qua năm nội dung quan trọng của dự thảo Nghị quyết, gồm: mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (8,5-9%, phấn đấu để tăng cao hơn 9%); chỉ số giá tiêu dùng (thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế), chỉ tiêu đào tạo cao đẳng nghề, trung cấp nghề (18,5%) và một số nhiệm vụ chính, với đại đa số đại biểu QH tán thành. Tiếp đó, QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Nghị quyết này với 441 đại biểu, bằng 89,45% tổng số đại biểu QH tán thành.
Chuyển sang xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2008, các đại biểu đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến đại biểu QH về dự thảo Nghị quyết nói trên và nghe đọc Toàn văn dự thảo Nghị quyết này sau khi đã được tiếp thu, chỉnh lý.
Một số đại biểu QH đã phát biểu ý kiến về một số nội dung dự thảo Nghị quyết để QH xem xét. Sau đó, các đại biểu đã tiến hành biểu quyết thông qua bốn nội dung quan trọng của dự thảo Nghị quyết, gồm: Tổng số thu cân đối ngân sách, tổng số chi cân đối ngân sách, số bội chi ngân sách, nhóm giải pháp trọng tâm và thực hiện nhiệm vụ giám sát ngân sách Nhà nước, với ít nhất là 87,02% tổng số đại biểu tán thành. Trên cơ sở đó, QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Nghị quyết này, với 434 đại biểu, bằng 88,03% tổng số đại biểu QH tán thành.
* Trong phiên họp buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật hoạt động Chữ thập đỏ. Các đại biểu Phạm Thị Thanh Hương (Bình Định), Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai), Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) và một số đại biểu khác đều nhất trí và tán thành việc xây dựng, ban hành luật này là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nhân đạo mà Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là tổ chức, và lực lượng nòng cốt trong các hoạt động nhân đạo của cả nước.
Tuy nhiên, các đại biểu Nguyễn Minh Hồng (TP Hồ Chí Minh), Phan Thị Thu Hà (Đồng Tháp) và một số đại biểu khác tỏ ra băn khoăn về sự cần thiết ban hành luật này; đại biểu Phan Thị Thu Hà đề nghị chỉ cần Ủy ban Thường vụ QH xây dựng và ban hành Pháp lệnh về hoạt động Chữ thập đỏ là đủ. Nhiều đại biểu QH cho rằng, quy định hoạt động Chữ thập đỏ là hợp lý, nhưng cần đặt trong tổng thể chung các hoạt động nhân đạo, từ thiện do nhiều tổ chức, cá nhân trong xã hội thực hiện. Do đó, dự luật cần quy định cụ thể, chặt chẽ hoạt động nhân đạo nào do Hội Chữ thập đỏ chủ trì, hoạt động nào là tham gia, phối hợp với cơ quan Nhà nước, tổ chức nhân đạo, xã hội và cá nhân như hiến máu nhân đạo, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cần phối hợp với Bộ Y tế, phòng ngừa thảm hoạ thiên tai phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cứu người trong thiên tai phối hợp với Ủy ban quốc gia tìm kiếm, cứu nạn.
Nhiều đại biểu QH đề nghị nên cân nhắc kỹ việc hoạt động Chữ thập đỏ tham gia vào các chuyên môn sâu của ngành y tế như sàng lọc, cung cấp máu, tham gia tìm kiếm, cứu nạn do thảm hoạ thiên tại hoặc con người gây ra… Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) nhấn mạnh rằng, ở dự luật này, quan trọng nhất là quy định cho phép Hội Chữ thập đỏ hoạt động nhân đạo ở phạm vi, mức độ như thế nào, có khả năng làm được hay không, quy định rõ việc nào chủ trì, việc nào tham gia phối hợp. Nhiều đại biểu QH cho rằng việc lập Quỹ nhân đạo là cần thiết, góp phần động viên nguồn lực của xã hội vào hoạt động nhân đạo, nhưng tên gọi của quỹ này nên là Quỹ nhân đạo Chữ thập đỏ Việt Namđể không lẫn với các quỹ nhân đạo khác. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến tán thành việc xây dựng, và tên gọi là Quỹ nhân đạo.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc sử dụng biểu tượng “Chữ thập đỏ” trong các hoạt động nhân đạo của hội là đương nhiên, nhưng ở Việt Nam việc sử dụng biểu tượng này trong việc cấp cứu người bệnh, trong hoạt động của bệnh viện cũng đã trở nên quen thuộc. Nên chăng, việc sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ cần đạt tới sự hợp lý và hiệu quả trong hoạt động nhân đạo Chữ thập đỏ và trong hoạt động của ngành y tế? Một số đại biểu QH đề nghị cần quy định rõ, cụ thể việc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp nhận, bảo quản, quản lý và phân phối tiền, hàng cứu trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế giúp Việt Nam, tăng cường tính minh bạch và công khai trong công tác này.
Các ý kiến của đại biểu QH cũng tán thành việc mời Chủ tịch nước làm Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam theo truyền thống Việt Nam và thông lệ quốc tế, nhưng không nên quy định trong luật, mà nên ghi trong Điều lệ hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Các đại biểu QH cũng góp nhiều ý kiến về bố cục của luật, đề nghị bỏ một số mục trong các chương, quy định rõ nội dung tại điều luật, nhằm làm cho luật được gọn, có tính khả thi, được tiếp thụ, chỉnh lý để QH xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.