1. Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi): Chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc
Trước khi tiến hành biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các ĐBQH tại phiên thảo luận về dự án luật.
Đáng chú ý, về các phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc, cùng với nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị giữ như quy định của pháp luật hiện hành, còn có nhiều ý kiến ĐBQH tán thành về các phương án xử lý thông qua trình tự xem xét, giải quyết tại Tòa án hoặc thông qua thu thuế.
Đối với vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc là vấn đề mới, lần đầu tiên được đặt vấn đề xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này. Trong khi tài sản, thu nhập của người dân, cán bộ, công chức, viên chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, Nhà nước ta chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội và pháp luật chưa quy định đánh thuế đối với tài sản thì việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm để đánh thuế hoặc thu hồi là vấn đề rất phức tạp.
Mặt khác, đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản - quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp nên cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc vào dự thảo Luật, mà thực hiện như quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có thì tiến hành thu hồi hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật tương ứng; nếu chứng minh được có dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật về thuế. Đồng thời, Điều 31 của dự thảo Luật đã bổ sung quy định về chuyển vụ việc có dấu hiệu vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết để tăng cường việc xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này.
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Ảnh: Trịnh Quốc Dũng.
Bên cạnh đó, về phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước, đối với các công ty đại chúng, các doanh nghiệp “sân sau”, doanh nghiệp tư nhân có quan hệ cung cấp hàng hóa cho khu vực nhà nước thì dự thảo Luật cũng đã có quy định cụ thể để điều chỉnh.
Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật với 452/465 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 93,20% tổng số đại biểu Quốc hội.
Như vậy, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) chính thức được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV gồm 10 chương, 96 điều quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019, thay thế Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành.
2. Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật liên quan đến quy hoạch: Giữ quy định về quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương tại Luật Quy hoạch đô thị
Trước khi biểu quyết thông qua, Quốc hội đã nghe UBTVQH trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.
Cụ thể, về các nội dung sửa đổi, bổ sung của các Luật: Tài nguyên nước, Đất đai, Đa dạng sinh học, Xây dựng, Quy hoạch đô thị đều đã được chỉnh lý trong dự thảo luật.
Đáng chú ý, trước một số ý kiến cho rằng nội dung quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương không trùng lặp với nội dung quy hoạch tỉnh và phù hợp với Luật Quy hoạch, đề nghị nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng để tránh tình trạng các thành phố trực thuộc trung ương thiếu đi một công cụ quy hoạch quan trọng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trên thực tiễn, các thành phố trực thuộc trung ương có vai trò động lực phát triển đối với các vùng và cả nước, có mật độ đô thị hóa và tốc độ đô thị hóa rất cao, khối lượng đầu tư xây dựng lớn. Trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân các thành phố trực thuộc trung ương đã tổ chức lập quy hoạch chung đô thị và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở để quản lý, đầu tư phát triển đô thị. Do vậy, việc tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chung theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị sẽ bảo đảm các đô thị này phát triển hiệu quả, bền vững, đồng bộ. Với lý do đó, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương tại Luật Quy hoạch đô thị.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Quy hoạch thì Quy hoạch tỉnh cũng được lập ở thành phố trực thuộc Trung ương. Do đó, cần xác định rõ mối quan hệ giữa 2 quy hoạch cùng cấp đều điều chỉnh về tổ chức không gian đô thị này, tránh chồng chéo, lãng phí, mâu thuẫn về nội dung giữa 2 quy hoạch; bảo đảm khai thác hiệu quả các nguồn lực trong triển khai thực hiện; đáp ứng yêu cầu quản lý, xây dựng và phát triển đô thị, phù hợp với điều kiện thực tiễn của các thành phố trực thuộc Trung ương.
Do vậy, tại khoản 3 Điều 29 dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 18 Luật Quy hoạch đô thị) được bổ sung nội dung sau:
“a) Quy hoạch chung được lập cho thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn và đô thị mới.
Quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương cụ thể hóa quy hoạch tỉnh được lập ở thành phố trực thuộc trung ương về tổ chức không gian, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở cho thành phố trực thuộc trung ương”.
Kết quả biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật có quy định liên quan đến quy hoạch. Ảnh: Trịnh Quốc Dũng.
Ngoài ra, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính khả thi của việc triển khai Luật Quy hoạch trên thực tế, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung quy định liên quan đến danh mục quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh vào dự thảo Nghị quyết kỳ họp lần này.
Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật có quy định liên quan đến quy hoạch, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật với 418/463 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 86,19% tổng số đại biểu Quốc hội.
Như vậy, Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật liên quan đến quy hoạch chính thức được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV gồm 31 điều, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019, cùng thời điểm với Luật Quy hoạch để tạo sự đồng bộ.
3. Luật Công an nhân dân (sửa đổi): Luật chỉ quy định có tính nguyên tắc về việc sử dụng, chế độ, chính sách đối với lực lượng công an xã
Trước khi biểu quyết thông qua, Quốc hội đã nghe UBTVQH trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.
Đáng chú ý, trong các nội dung được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, trước ý kiến đề nghị cần đánh giá tác động toàn diện, có lộ trình chính quy Công an xã, bảo đảm chế độ, chính sách, bố trí nhân sự, điều kiện cơ sở vật chất, tính khả thi, hiệu quả, đồng bộ, tinh gọn đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở khi chính quy Công an xã, thị trấn. Ý kiến khác đề nghị nên tổ chức thí điểm trước khi triển khai trong cả nước.
Vấn đề này đã được UBTVQH báo cáo giải trình trước Quốc hội, theo đó xác định, việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy phải có lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và đồng bộ với việc thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm nhân sự, cơ sở vật chất, điều kiện chính quy Công an xã, thị trấn. Dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định cụ thể việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy (khoản 2 Điều 17) và điều khoản chuyển tiếp (Điều 46) để bảo đảm lộ trình thực hiện và tính khả thi. Đối với lực lượng Công an xã bán chuyên trách, sẽ tiếp tục được sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở để tránh lãng phí nguồn nhân lực tại chỗ. Tuy nhiên, để bảo đảm khả thi, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn, dự thảo Luật chỉ quy định có tính nguyên tắc về việc sử dụng, chế độ, chính sách đối với lực lượng Công an xã bán chuyên trách, việc đào tạo, bố trí sử dụng cụ thể sẽ được thể hiện trong đề án và trong chương trình, kế hoạch thực hiện chính quy Công an xã.
Đối với ý kiến đề nghị không nên bố trí Công an xã chính quy tại 1.100 xã biên giới để tiết kiệm nguồn lực, tránh chồng chéo về nhiệm vụ giữa các lực lượng. UBTVQH thấy rằng, trong khu vực biên giới, mỗi lực lượng có chức năng, nhiệm vụ riêng theo quy định của pháp luật. Việc chính quy Công an xã, thị trấn nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 16 của Luật CAND hiện hành, Bộ Công an đã điều động sĩ quan, hạ sĩ quan về đảm nhiệm các chức danh Công an xã và được đánh giá hiệu quả, không phát sinh bất cập trong thực hiện. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Ảnh: Trịnh Quốc Dũng.
Đối với một số ý kiến nhất trí thành lập đồn, trạm công an; một số ý kiến đề nghị đánh giá tác động, sự cần thiết thành lập đồn, trạm công an, quy định rõ địa bàn, chức năng, nhiệm vụ để tránh chồng chéo với Công an xã, đồn, trạm công an và đồn biên phòng.
Về vấn đề này, UBTVQH báo cáo như sau: Việc thành lập các đồn, trạm Công an và các đơn vị độc lập bố trí tại những địa bàn đặc thù (thí dụ khu công nghiệp, vùng tập trung dân cư…) được thực hiện từ khi có Luật CAND năm 2005 đến nay. Theo tổng kết, đánh giá của Bộ Công an, việc thành lập các đơn vị này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hoạt động hiệu quả, theo cơ chế, đặc thù của từng khu vực, địa bàn, không “trùng dẫm” với nhiệm vụ của Công an xã và các lực lượng khác. Việc quy định như dự thảo Luật cũng bảo đảm sự linh hoạt khi có tình huống phức tạp về an ninh, trật tự trong từng thời điểm và từng địa bàn cụ thể. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.
Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật với 416/464 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 85,77% tổng số đại biểu Quốc hội.
Như vậy, Luật Công an nhân dân (sửa đổi) chính thức được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV gồm bảy Chương 46 Điều, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2019, thay thế cho Luật Công an nhân dân số 73/2014/QH13 hiện hành (ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2014).