Quốc hội thảo luận tình hình đấu tranh phòng, chống tội phạm và công tác thi hành án hình sự

Quốc hội thảo luận tình hình đấu tranh phòng, chống tội phạm và công tác thi hành án hình sự

Các báo cáo công tác của ngành do Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Văn Hiện, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao (KSNDTC) Hà Mạnh Trí và Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh trình bày trước QH, cho thấy: Năm 2006, tình hình tội phạm và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm vẫn diễn biến phức tạp; các loại tội phạm liên quan chức vụ, quyền hạn, tội phạm kinh tế, tội phạm ma túy vẫn tiếp tục gia tăng, gây nhức nhối trong dư luận. Báo cáo của ngành tòa án cũng chỉ rõ: Năm 2006, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên phạm vi cả nước diễn ra khá phổ biến, có xu hướng tăng, nhưng việc phát hiện, điều tra, truy tố và xét lại không nhiều, tỷ lệ các vụ án liên quan buôn lậu bị đưa ra xét xử chiếm tỷ lệ thấp so với năm trước. Cùng với sự phát triển  kinh tế, đời sống nhân dân được nâng lên, tình trạng mâu thuẫn, ly hôn giữa các cặp vợ chồng, nhất là ở các thành phố lớn, cũng ngày một nhiều. Ðáng chú ý, trong tổng số các đối tượng bị đưa ra xét xử trước pháp luật, có đến 50% là người nghiện ma túy.

Báo cáo trước QH về công tác thi hành án năm 2006, Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu, bên cạnh việc nêu bật thành tích, cũng thẳng thắn chỉ rõ những mặt yếu kém cần khắc phục. Ðó là tình trạng tồn đọng án, nhất là án dân sự, tỷ lệ tiền thi hành án thu hồi cho Nhà nước còn thấp; quy trình, thủ tục thi hành án, một số nơi làm chưa đúng; sự phối hợp giữa cơ quan thi hành án với các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng chưa được nhịp nhàng, dẫn đến hiệu quả công tác này chưa cao...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH  Nguyễn Thị Bắc trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng KSNDTC, Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Trần Thế Vượng trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong thi hành án hình sự.

Thảo luận về  các báo cáo nêu trên, các ý kiến phát biểu đều đánh giá cao kết quả mà các ngành tư pháp đã đạt được, ghi nhận những nỗ lực và quyết tâm vượt khó của các cơ quan này. Các đại biểu cũng bày tỏ sự thông cảm, sẻ chia trách nhiệm với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc khắc phục khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, nhằm giữ vững cán cân công lý, qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, các đại biểu: Ðỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang), Nguyễn Ngọc Trân (An Giang), Nguyễn Ðình Lộc (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Dy Niên (Thanh Hóa)  và Nguyễn Mạnh Ðức (Yên Bái)  cho rằng: các báo cáo này chưa nêu rõ thực trạng tình hình tội phạm có xu hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ, tội nghiêm trọng ngày càng tăng và hình phạt tù cho các đối tượng phạm tội ngày càng nặng;  công tác điều tra, truy tố, xét xử vẫn chưa hoàn toàn mang tính độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, mà vẫn còn hiện tượng chạy án, chưa coi trọng cải cách tư pháp và tranh tụng tại phiên tòa. Ở một số vụ án, công tác điều tra, truy tố, xét xử còn chưa tuân thủ pháp luật, còn xảy ra tình trạng ép cung, hoặc có sự can thiệp của một số cơ quan, cá nhân, làm sai lệch hồ sơ vụ án. Các đại biểu đề nghị trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, cần có biện pháp nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thực hiện tốt cải cách tư pháp và các cơ quan tư pháp  phải độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có hành vi can thiệp vào vụ án, hạn chế đến mức thấp nhất oan sai hoặc bỏ sót, lọt tội phạm. Các ngành tư pháp cần  tích cực bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán để có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và kiến nghị các ngành chức năng có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Các đại biểu  đề nghị các ngành tư pháp cần nghiên cứu, bổ sung các quy định để đáp ứng yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có tranh chấp với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài khi Việt Nam gia nhập WTO. Theo đại biểu Trần Ngọc Ðường (Kiên Giang), cần xây dựng lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, vì đây là vấn đề quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Ðại biểu Trần Huỳnh Mến (Ðồng Tháp) đề nghị cần có chế độ, chính sách đãi ngộ đối với các lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm bị lây nhiễm HIV. Ðại biểu này cho rằng, thời gian qua, các cơ quan chức năng, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương và quần chúng nhân dân đã tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, từng bước kiềm chế và làm giảm tội phạm, nhưng một số loại tội phạm về tham nhũng, ma túy vẫn có xu hướng tăng; đề nghị cần tập trung đấu tranh với các băng, nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, tội phạm về ma túy, tham nhũng, buôn bán phụ nữ và trẻ em, tội phạm về cờ bạc, số đề, mại dâm. Ðồng thời đề nghị cần xử lý nghiêm những cán bộ, công chức trong ngành tư pháp có hành vi sai phạm để lấy lại lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp. Ðại biểu Lê Thị Nga (Thanh Hóa) đề nghị làm rõ các nguyên nhân gây tai nạn giao thông và có biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân thực hiện các quy định về an toàn giao thông; xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông có hành vi sai phạm.