Quốc hội phê duyệt mức bội chi NSNN năm 2021 khoảng 4% GDP

NDO -

Chiều 12-11, với đa số đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Theo đó, Quốc hội phê duyệt mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2021 là 343.670 tỷ đồng, tương đương 4% GDP; phê duyệt Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 608.569 tỷ đồng.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiến hành biểu quyết bằng hệ thống điện tử ngày 12-11.
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiến hành biểu quyết bằng hệ thống điện tử ngày 12-11.

Cụ thể, với 446/448 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 92,53% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Theo đó, Quốc hội phê duyệt dự toán Tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2021 là 1.343.330 tỷ đồng; Tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.687.000 tỷ đồng.

Quốc hội cũng phê duyệt mức Bội chi ngân sách nhà nước năm 2021 là 343.670 tỷ đồng, tương đương 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Trong đó, Bội chi ngân sách trung ương là 318.870 tỷ đồng, tương đương 3,7%GDP; Bội chi ngân sách địa phương là 24.800 tỷ đồng, tương đương 0,3% GDP.

Quốc hội cũng phê duyệt Tổng mức vay của NSNN năm 2021 là 608.569 tỷ đồng.

Đáng chú ý, có ý kiến cho rằng NSNN vay khá lớn, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ đã chạm trần 25% tổng thu NSNN của năm 2020 và dự kiến sẽ đạt cao hơn 27% tổng thu NSNN của năm 2021, tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây mất an ninh, an toàn tài chính quốc gia, cần kiểm soát chặt chẽ nguồn vay để sử dụng hiệu quả hơn.

Về việc này, Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ việc chạm trần nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tính trên số thu ngân sách sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, tuy nhiên, chưa vượt mức trần nợ công mà Quốc hội cho phép.

Nguyên nhân của khả năng vượt ngưỡng có thể kể đến là: Tình hình thu NSNN năm 2020, 2021 dự báo gặp nhiều khó khăn; Nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi tăng cao một số năm, chủ yếu do nghĩa vụ trả nợ gốc TPCP phát hành trong giai đoạn trước đến hạn trả nợ.

Do đó, đề nghị Chính phủ: Tiếp tục thực hiện việc cơ cấu lại nợ thông qua việc đa dạng kỳ hạn phát hành, tập trung phát hành kỳ hạn dài và thực hiện hoán đổi trái phiếu trong danh mục nợ để góp phần giãn nghĩa vụ trả nợ gốc, tránh dồn vào một thời điểm; Thực hiện nghiêm chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 07-NQ/TW và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội, theo đó “bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỉ lệ bội chi NSNN, hướng tới cân bằng thu - chi NSNN”, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn vay.

Theo Nghị quyết được mới được thông qua, Quốc hội cũng phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự toán NSNN năm 2020 gồm một số nội dung, như: Tăng bội chi ngân sách trung ương (năm 2020) là 133.500 tỷ đồng để bảo đảm dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020 Quốc hội đã quyết định;

Không thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong năm 2020;

Tập trung nguồn lực để phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại;...

Quốc hội giao Chính phủ thực hiện một số biện pháp điều hành nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021, như: Điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ; phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách nhà nước;

Tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; giảm tỷ lệ nợ thuế; mở rộng triển khai hóa đơn điện tử; cải cách, hiện đại hóa hệ thống cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai; đẩy nhanh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Theo Nghị quyết về dự toán NSNN được thông qua, năm 2021 chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, chuẩn nghèo. Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về tạo nguồn cải cách tiền lương.

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV