Lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân làm mục tiêu cao nhất
Báo cáo công tác nhiệm kỳ Khóa XIII của QH do Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng trình bày nêu rõ: Năm năm qua, QH, các cơ quan của QH, từng vị đại biểu QH đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các ngành, các cấp và các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai khối lượng lớn công việc về lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát tối cao; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước... (Toàn văn báo cáo đăng trên số báo hôm nay).
Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: Nhiệm kỳ 2011 - 2016, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, KT-XH trong nước gặp nhiều khó khăn, Chủ tịch nước trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước CHXHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân và là đại biểu QH Khóa XIII, đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, bộ, ngành, địa phương, nhân dân và cử tri cả nước, thực hiện đầy đủ và có hiệu quả nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công, góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện có kết quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các Nghị quyết của QH Khóa XIII... (Toàn văn báo cáo đăng trên số báo hôm nay).
Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày trước QH đã đánh giá khái quát những kết quả đạt được trên các mặt: Thống nhất quản lý phát triển KT-XH; xây dựng và thực thi pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích của công dân, Nhà nước, xã hội; xây dựng và kiện toàn hệ thống bộ máy hành chính nhà nước; tổ chức và lãnh đạo công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại tố cáo; bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội; quản lý công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội và Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; chấp hành sự giám sát của QH và báo cáo trước nhân dân.
Qua nhiệm kỳ 2011-2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu lên những bài học kinh nghiệm, đó là phải quán triệt, thể chế hóa kịp thời, phù hợp chủ trương đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; sáng tạo trong tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân làm mục tiêu cao nhất... (Toàn văn báo cáo đăng trên số báo hôm nay).
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong báo cáo của Chính phủ đã phân tích, đánh giá những mặt làm được, những hạn chế, yếu kém, nêu lên các nguyên nhân và một số bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị báo cáo cần phân tích, đánh giá sâu hơn các nội dung liên quan đến hiệu quả, hạn chế, yếu kém và trách nhiệm trong hoạt động của Chính phủ, các thành viên của Chính phủ nhiệm kỳ qua. Đồng thời, cần làm rõ các giải pháp tích cực để tiếp tục phát huy những mặt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của Chính phủ để Chính phủ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Thời gian còn lại của phiên làm việc buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế. Sau đó, QH đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật.
Thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng
Mở đầu phiên họp buổi chiều, các đại biểu QH đã nghe Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chánh án TAND tối cao. Báo cáo cho biết: Trong nhiệm kỳ QH khóa XIII, mặc dù yêu cầu nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, tuy nhiên về cơ bản các Tòa án đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm công tác đã đề ra; hiệu quả các mặt hoạt động của Tòa án đã có nhiều chuyển biến tích cực, thực hiện tốt Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và các Nghị quyết của Quốc hội về công tác của tòa án.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các tòa án nhiệm kỳ qua cũng còn một số hạn chế, thiếu sót, đó là: Trong công tác xét xử các vụ án hình sự còn có ba trường hợp kết án oan người không có tội; một số Tòa án chưa khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn luật định do lỗi chủ quan; tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt cao như mong muốn; việc tổng kết kinh nghiệm xét xử và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật mặc dù đã có tiến bộ, nhưng ở một số lĩnh vực còn chậm. Công tác quản lý, điều hành hoạt động ở một số đơn vị chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả, khoa học; vẫn còn xảy ra các trường hợp cán bộ, công chức tòa án vi phạm phẩm chất đạo đức, kỷ luật công vụ và vi phạm pháp luật. Cơ sở vật chất, điều kiện phương tiện làm việc của một số tòa án còn khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là các tòa án nhân dân cấp huyện; chế độ chính sách đối với Thẩm phán và cán bộ, công chức tòa án còn nhiều bất cập.
Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chánh án TAND tối cao, do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện trình bày trước QH, cho biết: Trong nhiệm kỳ qua, TAND các cấp đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, các nghị quyết của QH về công tác tư pháp, thi hành Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức TAND năm 2014, góp phần quan trọng vào việc thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, hoàn thiện tổ chức bộ máy của TAND các cấp; TAND tối cao đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác, nhất là công tác xét xử các vụ án, nghiêm túc tiếp thu các kết luận giám sát của QH, Ủy ban TVQH, các cơ quan của QH... Nhìn chung, TAND các cấp đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển KT-XH của đất nước.
Tiếp đó, QH đã nghe Viện trưởng Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016. Theo đó, nhiệm kỳ qua, ngành kiểm sát đã nghiêm túc quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị quyết của QH và có nhiều đổi mới trong tổ chức thực hiện nên ngành kiểm sát đã tạo được sự chuyển biến tích cực, hiệu quả trên tất cả các mặt công tác. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu của QH. Hoàn thành nhiệm vụ chính trị với chất lượng cao. Bộ máy đổi mới, chất lượng cán bộ được nâng lên đáng kể, cơ sở vật chất được tăng cường...
Về lĩnh vực này, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH cho biết: Trong nhiệm kỳ qua, kết quả thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát các cấp có nhiều chuyển biến tích cực, về cơ bản đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu theo các Nghị quyết của QH. Báo cáo cơ bản đã phản ánh khá đầy đủ kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn của mặt công tác. Tuy nhiên, việc đánh giá nguyên nhân của những kết quả đạt được, hạn chế cũng như bài học kinh nghiệm, giải pháp trọng tâm để Viện kiểm sát các cấp nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ cần được rà soát chuẩn bị kỹ hơn.
Cũng trong phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu QH đã nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Nguyễn Hữu Vạn trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng KTNN. Báo cáo cho biết: Nhiệm kỳ vừa qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song những kết quả và thành tựu KTNN đã đạt được là toàn diện và có tầm ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển trong những năm tiếp theo: Hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN ngày càng hoàn thiện, đồng bộ từ Hiến pháp năm 2013, Luật KTNN năm 2015, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 đến hệ thống chuẩn mực KTNN, các quy trình, quy chế chuyên môn, nghề nghiệp...
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách của QH cơ bản thống nhất với đánh giá của Tổng KTNN về kết quả công tác của KTNN trong nhiệm kỳ QH Khóa XIII và đề nghị KTNN thời gian tới cần bám sát các Nghị quyết của Đảng, hệ thống pháp luật và Nghị quyết của QH, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 để xây dựng kế hoạch hành động cho nhiệm kỳ tiếp theo, bảo đảm nâng cao năng lực hoạt động, xây dựng KTNN chuyên nghiệp, hiện đại, trở thành công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Mặt khác, chú trọng củng cố hệ thống tổ chức bộ máy; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đạo đức, nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, công chức; tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp kiểm toán; tăng cường kiểm toán, kiểm soát nội bộ, công khai, minh bạch các thông tin kiểm toán; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán...