Với quyết định này, chính phủ của Thủ tướng Najib Mikati chỉ còn vài tháng để tìm kiếm các khoản hỗ trợ tài chính từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm giải cứu đất nước khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng hiện nay.
Sau khi Quốc hội mới được bầu, chính phủ của Thủ tướng Mikati sẽ đóng vai trò là chính phủ lâm thời cho đến khi một Thủ tướng mới vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và được giao nhiệm vụ thành lập chính phủ mới.
Nằm ở phía đông Địa Trung Hải, Liban đang rơi vào suy thoái kinh tế trầm trọng, là một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất thế giới kể từ những năm 1850. Đồng bảng của Liban đã mất gần 90% giá trị so với đồng USD trên thị trường chợ đen kể từ năm 2019, trong khi tiền tiết kiệm của người dân bị mắc kẹt trong các ngân hàng. Theo Liên hợp quốc, 78% dân số Liban hiện sống dưới mức nghèo đói và lạm phát ngày càng leo thang.
Tình hình càng trở nên tồi tệ sau vụ nổ kinh hoàng xảy ra ngày 4/8/2020 tàn phá cảng Beirut và một khu vực lớn ở trung tâm thủ đô Liban. Đây là một trong những vụ nổ không liên quan tới hạt nhân lớn nhất trong lịch sử, khiến hơn 210 người chết và hơn 7.000 người bị thương.
Căng thẳng tại Liban gia tăng trong bối cảnh Thẩm phán Tarek Bitar - người phụ trách điều tra vụ nổ, trở thành mục tiêu của một chiến dịch chính trị do các phong trào Hezbollah và Amal thuộc dòng Hồi giáo Shiite lãnh đạo.
Phiên họp chính phủ Liban ngày 12/10 vừa qua đã khép lại bằng một cuộc tranh cãi gay gắt khi các bộ trưởng thân với phong trào Hezbollah và Amal đã ép buộc chính phủ ủng hộ yêu cầu của họ nhằm thay thế thẩm phán Bitar.
Phiên họp tiếp theo vào ngày 13/10 đã bị hoãn lại, cho thấy các phe phái trong nội các Liban không đạt được thỏa thuận nào, với việc một số bộ trưởng cho rằng chính phủ không nên can thiệp vào các vấn đề tư pháp.