Quốc hội điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021

NDO -

Chiều 27/7, với đa số đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Quang cảnh phiên làm việc toàn thể của Quốc hội ngày 27/7. Ảnh: Duy Linh
Quang cảnh phiên làm việc toàn thể của Quốc hội ngày 27/7. Ảnh: Duy Linh

Cuối ngày làm việc thứ 8, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hệ thống điện tử.

Kết quả biểu quyết có 472/476 đại biểu tán thành (chiếm 94,59% tổng số đại biểu), Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Theo đó, về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, Quốc hội bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê (cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 2 theo quy trình tại một kỳ họp).

Đồng thời, Quốc hội điều chỉnh thời gian trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) dự kiến trình Quốc hội thông qua 5 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết, gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 (và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, nếu có).

Cũng tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến đối với 5 dự án luật, gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 1); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 đã được thông qua, tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), dự kiến trình Quốc hội thông qua 4 dự án luật (đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3), gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Cũng tại kỳ họp thứ 4, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến đối với 2 dự án luật, gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 2, sau khi cho ý kiến lần 1 tại kỳ họp thứ 3).

Theo Nghị quyết mới được Quốc hội thông qua và có hiệu lực ngay từ ngày 27/7/2021, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được đánh giá là có tác động rộng lớn, sâu sắc trong xã hội sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại 2 kỳ họp, trước khi có thể đủ điều kiện được thông qua tại các kỳ họp tiếp sau.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV