Tỉnh Quảng Trị đang như một đại công trường. Các dự án trọng điểm quốc gia và của tỉnh như: cao tốc đường bộ bắc-nam đoạn Cam Lộ-Vạn Ninh; đường tránh qua thành phố Đông Hà, đường ven biển nối hành lang kinh tế đông-tây; khu bến cảng Mỹ Thủy… đang được đẩy nhanh thi công, góp phần tạo dựng niềm tin về vùng đất nắng nóng và gió Lào sẽ cất cánh trong tương lai.
Mở lối ra Biển Đông
Hơn ba tháng trước, tỉnh Quảng Trị và Công ty cổ phần Liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thủy (MTIP) đã triển khai thi công giai đoạn 1 của Dự án khu bến cảng Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng. Tận dụng thời tiết thuận lợi, những ngày này, các đơn vị trên công trường đang khẩn trương thi công. Hạng mục đê chắn sóng phía đông của khu bến cảng - đoạn đê quan trọng nhất của dự án - hiện đã thi công được 200m trên tổng số 320m. Hình hài đầu tiên của khu bến cảng hiện đại đã dần hiện ra. Phó Tổng Giám đốc Thường trực MTIP Nguyễn Xuân Dũng cho biết, Dự án khu bến cảng Mỹ Thủy đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư có quy mô diện tích đất và mặt nước 685 ha; gồm 10 bến, phát triển ba giai đoạn, tiến độ xây dựng đến năm 2036, tổng nguồn vốn đầu tư hơn 14 nghìn tỷ đồng. Khu bến cảng có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng đến 100 nghìn tấn. Giai đoạn 1 của dự án có quy mô đầu tư xây dựng bốn bến tàu với tổng chiều dài tuyến mép bến đến 1.300m, tổng chiều dài cầu cảng hơn 1.341m, chiều rộng 41,5m; đê, kè chắn sóng, cát, nạo vét vũng quay tàu, luồng tàu và khu nước trước bến… cùng các công trình phụ trợ khác với tổng vốn đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, thuộc công trình hàng hải cấp đặc biệt. Tiến độ dự án đang được bảo đảm, MTIP phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ đưa từ một đến hai bến tàu vào hoạt động.
Các đơn vị thi công phần đường của Dự án đường ven biển nối hành lang kinh tế đông tây tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 1, đoạn qua huyện Gio Linh. |
Dự án khu bến cảng Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng có điểm đầu là hành lang kinh tế đông-tây Mỹ Thủy-La Lay của tỉnh Quảng Trị nối với tỉnh Salavan của Lào và tỉnh Ubon Ratchathani của Thái Lan, được xem là hành lang ngắn nhất ra Biển Đông. Khi hoàn thành, dự án sẽ đóng vai trò quan trọng thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng, thế mạnh và là động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Quảng Trị. Bên cạnh đó, khu bến cảng Mỹ Thủy sẽ mở lối ra Biển Đông, góp phần khai thác tối đa lợi thế về dịch vụ cảng, vận tải biển và các dịch vụ liên quan, trở thành đầu mối trung chuyển hàng hóa giữa các cảng biển trong khu vực miền trung, tăng cường liên kết phát triển vùng.
Tại Dự án đường ven biển nối hành lang kinh tế đông-tây của tỉnh Quảng Trị (giai đoạn 1), các hạng mục xây dựng cũng đang được tập trung thực hiện. Dự án có tổng ngân sách đầu tư 2.060 tỷ đồng với chiều dài tuyến khoảng 48 km, đi qua địa bàn các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và thành phố Đông Hà, trong đó đoạn từ nam Cửa Việt, huyện Triệu Phong đến thành phố Đông Hà có chiều dài hơn 12 km, quy mô mặt đường rộng từ 59 đến 160m. Dự án có nhiều hạng mục cầu và đường quan trọng. Tại công trình xây dựng cầu Thạch Hãn 1, các đơn vị thi công đã hoàn thành 123 trên tổng số 184 cọc khoan nhồi, hoàn thành đổ bê-tông khối, bản mặt cầu, đúc phiến dầm. Công trình xây dựng cầu Thạch Hãn 2 hoàn thành 15 trên tổng số 32 cọc khoan nhồi và hoàn thành đúc 24 phiến dầm... Đồng thời, phần đường dẫn của hai dự án cầu Thạch Hãn 1 và 2 cũng đang được các đơn vị tập trung thi công, đắp đất nền, đáp ứng tiến độ đề ra.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm
Dự án được nhân dân Quảng Trị mong muốn nhất là xây dựng cảng hàng không Quảng Trị, huyện Gio Linh. Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng tỉnh phối hợp huyện Gio Linh tập trung giải phóng mặt bằng, chuẩn bị khởi công cảng hàng không vào ngày 6/7. Nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án là Liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng giao thông T&T và Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4. Cảng hàng không Quảng Trị có diện tích đất xây dựng hơn 265 ha ở huyện Gio Linh, được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C, đáp ứng nhu cầu khai thác khoảng 5 triệu hành khách/năm và hơn 25 nghìn tấn hàng hóa/năm với tổng vốn đầu tư 5.821 tỷ đồng theo phương thức đối tác công-tư. Dự án được chia thành hai giai đoạn, trong đó, phấn đấu giai đoạn 1 hoàn thành, đưa vào sử dụng vào năm 2026, đáp ứng khai thác khoảng 500 nghìn hành khách/năm.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng Dự án Cảng hàng không Quảng Trị. |
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Võ Văn Hưng, việc đầu tư xây dựng cảng hàng không Quảng Trị là khát vọng của các thế hệ lãnh đạo, sự đồng lòng của nhân dân trong tỉnh và sự mong muốn của các bộ, ngành Trung ương, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước mỗi khi đến thăm và làm việc với Quảng Trị, mảnh đất có đến 72 nghĩa trang liệt sĩ, để nhân dân có thêm điều kiện thắp nén nhang tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Đó còn là sự quyết tâm của tỉnh trong đột phá, hiện đại hóa đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông, kết nối giữa các địa phương, vùng và quốc tế; góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng khu vực Trung Bộ nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng.
Cùng với việc khẩn trương đôn đốc thi công xây dựng các công trình, dự án trọng điểm, tỉnh Quảng Trị đang tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gio Linh Võ Đắc Hóa cho biết, thời điểm hiện tại huyện đã bàn giao đạt 140 ha trong tổng số 265 ha để tổ chức khởi công sân bay và xây dựng các hạng mục cần thiết. Theo chỉ đạo của tỉnh, đến cuối năm 2024, huyện Gio Linh sẽ bàn giao 100% mặt bằng sạch cho nhà đầu tư cảng hàng không Quảng Trị và tiến độ đến nay được bảo đảm. Tuy nhiên, các dự án khác vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, tại Dự án đường ven biển kết nối hành lang kinh tế đông-tây tỉnh Quảng Trị (giai đoạn 1), thành phố Đông Hà mới bàn giao được 0,2 km trên tổng số 2,7 km mặt bằng; đoạn qua huyện Triệu Phong 3,27 km trên tổng số 9,5 km; đoạn qua huyện Gio Linh 4,5 km trên tổng số 12,5 km. Dự án khu bến cảng Mỹ Thủy vẫn còn 12 ha mặt bằng chưa được địa phương bàn giao cho nhà đầu tư…
Hạng mục đê chắn sóng phía đông của Khu bến cảng Mỹ Thủy đang được khẩn trương thi công. Hình hài khu bến cảng bắt đầu hiện dần trước biển. |
Kiểm tra tiến độ thực hiện thi công các dự án trọng điểm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Võ Văn Hưng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương liên quan, yêu cầu phải tập trung lực lượng phục vụ công tác giải phóng mặt bằng một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu đến cuối năm 2024 bàn giao đầy đủ diện tích mặt bằng còn lại cho nhà đầu tư; sớm xây dựng hoàn thành các khu tái định cư phục vụ di dời dân, giải phóng mặt bằng. Các sở, ban, ngành cần tăng cường lực lượng giúp các địa phương, đồng thời phân công lãnh đạo đơn vị trực tiếp phụ trách từng dự án cụ thể, cử cán bộ theo dõi tiến độ dự án, rà soát tổng thể, chi tiết và kế hoạch triển khai từng hạng mục công trình, gói thầu cụ thể; tổ chức giao ban định kỳ với các đơn vị liên quan để kịp thời nắm bắt tình hình thực tế, có phương án chỉ đạo tổ chức thi công, giải ngân theo kế hoạch vốn được giao... Tỉnh đã phát động đợt cao điểm từ nay đến hết tháng 9/2024 đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm trên địa bàn. Theo dự báo, đây là khoảng thời gian có thời tiết thuận lợi cho các đơn vị thi công, góp phần bảo đảm tiến độ hoàn thành các công trình, dự án.
Năm 2024 là năm tăng tốc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm, giai đoạn 2020-2025 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Quảng Trị. Cùng với việc đẩy mạnh thi công các dự án trọng điểm nêu trên, tỉnh và Trung ương đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hoàn thành hồ sơ pháp lý cho Dự án cao tốc đường bộ Đông Hà-Lao Bảo; cấp chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào qua đường biên giới tại cửa khẩu quốc tế La Lay về khu bến cảng Mỹ Thủy, để khởi công trong quý I/2025. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, việc sớm hoàn thành các dự án đang và sẽ triển khai xây dựng sẽ góp phần quan trọng, tạo điểm tựa vững chắc để tỉnh Quảng Trị phát triển nhanh, bền vững.