Đáng chú ý, trong nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách, người dân tham gia đóng góp bằng nhiều hình thức hơn 458 tỷ đồng, doanh nghiệp đóng góp gần 96 tỷ đồng. Ước tính đến hết năm 2017, bình quân 111 xã đạt 14 trong số 20 tiêu chí và 42,2 trong số 53 chỉ tiêu (tăng bình quân 2,3 tiêu chí và 3,53 chỉ tiêu so với kết quả thực hiện cùng kỳ năm 2016). Đến thời điểm này, theo báo cáo của các địa phương, cơ bản 17 xã đã sẵn sàng về đích chương trình xây dựng nông thôn mới.
Mục tiêu đến hết năm 2018, Quảng Ninh có thêm ít nhất 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tất cả các xã đạt chuẩn nông thôn mới triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu có thêm ít nhất 100 thôn xây dựng khu dân cư nông thôn kiểu mẫu; toàn tỉnh có thêm 1.000 hộ tham gia xây dựng “vườn mẫu”; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt ít nhất 45 triệu đồng/người/năm (khu vực I) và 30 triệu đồng/người/năm (khu vực II, III); tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,3 đến 0,7%; tất cả các xã đã đạt chuẩn giai đoạn 2011 - 2015 được hoàn thiện bổ sung tiêu chí để đạt theo chuẩn mới và tiếp tục tiến lên xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
* Trà Vinh phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông
Tỉnh Trà Vinh đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cải thiện chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông. Đến nay, các đơn vị thực hiện nghiêm và hiệu quả nghị quyết của Chính phủ về Chính phủ điện tử, quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động hành chính nhà nước, sử dụng các phần mềm quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử công vụ, các ứng dụng chuyên ngành, chữ ký số, áp dụng họp trực tuyến, cập nhật thông tin lên Cổng thông tin điện tử.
Tỉnh cũng tích cực ứng dụng phần mềm một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến trong tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến, khuyến khích các cơ sở cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các sở, ngành, UBND các địa phương đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, tập huấn nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, bảo đảm an toàn an ninh thông tin và hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin phục vụ tốt cho việc triển khai các ứng dụng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án "Nâng cấp, mở rộng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin" đáp ứng yêu cầu triển khai Chính quyền điện tử.