Quảng Ninh tập trung bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường

Năm 2018, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh chọn chủ đề công tác "Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên” nhằm tập trung tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ của năm và mục tiêu “phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp; là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực”.

Học sinh Trường THCS Lê Lợi và đoàn viên thanh niên huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) tham gia thu dọn vệ sinh môi trường.
Học sinh Trường THCS Lê Lợi và đoàn viên thanh niên huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) tham gia thu dọn vệ sinh môi trường.

Theo đó, tỉnh thực hiện quy hoạch và sớm triển khai các vùng bảo tồn đặc biệt đối với tài nguyên rừng, biển thuộc vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, Cô Tô. Để tiếp tục mở rộng không gian phát triển, tỉnh coi trọng quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm áp lực đối với môi trường, cân bằng giữa các ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Để thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Tỉnh ủy Quảng Ninh đề ra nhiều giải pháp với quyết tâm tạo thay đổi, chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân về bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường sống. Tập trung hoàn thiện và thực hiện tốt các phương án, đề án bảo đảm vệ sinh môi trường; rà soát, điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn về quy hoạch bảo vệ môi trường… di chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra ngoài trung tâm đô thị; kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường và tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực thi các nội dung cam kết; xây dựng bổ sung các tiêu chí để làm căn cứ chấp thuận các dự án đầu tư nhằm tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, tập trung đào tạo, tập huấn chuyên môn cho cán bộ từ cấp xã, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý các cấp và cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; rà soát, bổ sung các chế tài mạnh để xử lý nghiêm khắc các vi phạm về môi trường.

* Quảng Nam cho vay vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn

Trong những năm qua, tình hình phát triển nông nghiệp nông thôn tại tỉnh Quảng Nam có những bước phát triển tương đối toàn diện. Để hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. Hiện, tỉnh Quảng Nam có 147 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động. Về kinh tế trang trại, có 130 trang trại đạt tiêu chí quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 159 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động trên các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn được rất ít, trong khi đó nguồn lực cho vay khá dồi dào.

Trước tình hình phát triển nông nghiệp còn gặp khó khăn cơ quan chức năng đã có giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận nguồn vốn như: các tổ chức tín dụng cần tăng cường hướng dẫn cụ thể về thủ tục vay vốn; đề nghị Liên minh Hợp tác xã, Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã đẩy mạnh việc bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư…

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu tài sản trên đất, quyền sử dụng sản xuất đất, đất rừng cho nhân dân trên địa bàn nhằm tạo cơ sở pháp lý để ngân hàng cho vay vốn một cách thuận lợi. Tỉnh chỉ đạo các địa phương tuyên truyền cho người dân và các đối tượng được vay vốn từ các chính sách tín dụng, để mọi người biết và tiếp cận vay vốn được thuận lợi; phối hợp, hỗ trợ các tổ chức tín dụng đóng trên địa bàn thực hiện tốt các chính sách nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân trong việc tiếp cận tín dụng trong nông nghiệp…

Hiện, Quảng Nam đang tổ chức triển khai một số chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 13.674 tỷ đồng.