Quảng Ninh phát triển rừng gỗ lớn

NDO - Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh phát triển trồng rừng gỗ lớn, đem lại lợi ích kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025 có gần 12.900ha rừng gỗ lớn, trong đó có gần 9.000ha trồng và hơn 3.800ha chuyển hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ba Chẽ kiểm tra độ tăng trưởng của cây lim xanh.
Cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ba Chẽ kiểm tra độ tăng trưởng của cây lim xanh.

Ðể đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp, cùng các cơ chế, chính sách chỉ đạo về quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác tiềm năng, lợi thế của rừng và đất lâm nghiệp.

Chuyển đổi nhận thức của người dân

Huyện miền núi Ba Chẽ có diện tích rừng lớn được tỉnh Quảng Ninh quy hoạch là vùng trọng điểm thay đổi cây rừng, có tỷ lệ trồng lim xanh, dổi, lát hoa cao nhất. Đến nay, huyện đã thành lập tổ công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân đăng ký thực hiện hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa tại các thôn, bản. Người dân đăng ký trồng rừng cây gỗ lớn được hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, tối đa 15 triệu đồng/ha và được hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp không quá 20 triệu đồng/ha.

Nhận thức rõ lợi ích từ trồng cây gỗ lớn, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, nhiều hộ gia đình ở Ba Chẽ đã mạnh dạn chuyển một phần diện tích cây rừng ngắn ngày sang trồng các loại cây gỗ lớn lâu năm có giá trị kinh tế cao như lim, lát, dổi, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương.

Điển hình như hộ ông Nịnh Văn Trắng ở thôn Khe Xa, xã Đạp Thanh đã đi đầu trong chuyển đổi nhiều diện tích trồng cây keo sang trồng các loại cây gỗ lớn, lâu năm, có giá trị cao như thông, lim, sưa, dổi và trồng xen kẽ các cây dược liệu có giá trị cao.

Sau khi được tuyên truyền, ông Triệu Cắm Thành ở thôn Làng Cổng, xã Đồn Đạc đã mạnh dạn chuyển 3ha trồng cây keo sang trồng cây gỗ lớn. Ông Trắng cho biết: Trước đây, gia đình trồng keo lấy gỗ, nhưng được cán bộ xã giải thích về lợi ích, giá trị kinh tế của cây gỗ lớn và chính sách hỗ trợ của tỉnh, gia đình cùng với nhiều hộ dân trong thôn đã quyết định thu hẹp diện tích rừng keo chuyển sang trồng rừng gỗ lớn.

Quảng Ninh phát triển rừng gỗ lớn ảnh 1

Cây thông Mã Vỹ của Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ba Chẽ tăng trưởng nhanh, thích hợp với thổ nhưỡng khí hậu của địa phương.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Chẽ Vi Thành Vinh cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện đã trồng được hơn 430ha rừng gỗ lớn, chủ yếu là lim, lát và dổi, trong đó Ban Quản lý rừng phòng hộ Ba Chẽ có diện tích trồng lớn nhất với hơn 260ha, Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ba Chẽ hơn 103ha. Phần lớn diện tích trồng rừng tập trung nhiều vào khối doanh nghiệp, tổ chức trồng rừng, còn người dân tham gia chưa nhiều.

Thực hiện đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn giai đoạn 2019-2025, huyện Ba Chẽ xác định mục tiêu tiếp tục nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng và phát triển lâm nghiệp bền vững, gắn kết theo chuỗi từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị lâm sản hàng hóa, phấn đấu đến năm 2025, hình thành và phát triển ổn định vùng gỗ lớn với quy mô 5.000ha, đáp ứng nhu cầu gỗ lớn phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Thực tế cho thấy, phát triển rừng trồng gỗ lớn phục vụ chế biến gỗ xuất khẩu và các ngành nghề chế biến gỗ còn những hạn chế nhất định. Trước hết là do cơ chế hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn chưa thu hút và động viên người trồng rừng.

Bên cạnh đó, do thời gian thu hồi vốn từ trồng rừng gỗ lớn quá dài, trong khi điều kiện kinh tế của người dân vẫn còn nhiều khó khăn cho nên chủ trương này chưa được người trồng rừng hưởng ứng. Ðể khắc phục những hạn chế trên, ngành lâm nghiệp đang tích cực triển khai đề án cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, đồng thời kết hợp với các cấp chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức nhân dân về lợi ích của trồng rừng.

Quảng Ninh phát triển rừng gỗ lớn ảnh 2

Kiểm tra độ tăng trưởng của cây gỗ lớn tại khu vực rừng trồng của Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ba Chẽ.

Phát triển lâm nghiệp bền vững

Để bảo đảm đủ nguồn lực đầu tư thực hiện đề án phát triển rừng gỗ lớn theo Nghị quyết số 19, trong hai năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã huy động 1.252 tỷ đồng đầu tư cho lâm nghiệp, trong đó vốn ngân sách nhà nước hơn 271 tỷ đồng, kinh phí trồng rừng thay thế hơn 49,5 tỷ đồng, các nguồn từ doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân hơn 931 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 7/2022, tỉnh Quảng Ninh đã trồng được hơn 1.652ha cây lim, lát, dổi.

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Phát triển lâm nghiệp bền vững có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với phát triển du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và của cả cộng đồng.

Vì vậy, phát triển lâm nghiệp phải đồng bộ từ trồng rừng, cải tạo rừng, quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, bền vững tài nguyên rừng đến khai thác, chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững của tỉnh.

Mục tiêu tỉnh Quảng Ninh đặt ra đến năm 2025 sẽ tăng giá trị sản xuất từ rừng bình quân đạt 8%/năm, tăng trưởng khoảng 5,5%/năm, năng suất rừng trồng từ 10m3/ha hiện nay lên 15m3/ha giai đoạn 2022-2025, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng bình quân khoảng 400.000m3/năm, sản lượng khai thác lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu từ 3.500 tấn/năm như hiện nay lên 4.000 tấn/năm giai đoạn 2022-2025.

Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 5.000ha rừng cây lim, dổi và 50% số hộ dân miền núi, người dân tộc thiểu số sống ở vùng có rừng tham gia sản xuất lâm nghiệp hàng hóa, bảo đảm cho khoảng 60 đến 70 nghìn người có việc làm với mức thu nhập bình quân sáu triệu đồng/người/tháng.

Quảng Ninh phát triển rừng gỗ lớn ảnh 3
Rừng trồng cây gỗ lớn của một hộ dân xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh.

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tích cực phát triển vùng rừng trồng gỗ lớn tập trung và chuyển hóa hơn 10.000ha rừng trồng cây keo sang trồng các loại cây gỗ có giá trị kinh tế cao.

Để bảo đảm nguồn cây giống cho các địa phương, doanh nghiệp và hộ dân, tới đây tỉnh Quảng Ninh sẽ đầu tư mới một vườn ươm giống có công suất hơn 10 triệu cây/năm, đồng thời, nâng cấp, mở rộng hệ thống 8 vườn ươm hiện có theo hướng hiện đại tại Uông Bí, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ và mua sắm bổ sung trang thiết bị phục vụ sản xuất cây vô tính, tiến tới chủ động về giống và chất lượng cây lâm nghiệp phục vụ nhu cầu trồng rừng của người dân.

Mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không chỉ là cơ sở để khai thác tốt các điều kiện tự nhiên và kinh tế, xã hội của tỉnh, mà thông qua dự án, trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn mở ra triển vọng tạo hàng hóa lâm sản có tính cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

Để thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 55% và nâng cao chất lượng rừng.

Những kết quả bước đầu trong chuyển đổi mô hình trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn của Quảng Ninh đã từng bước tạo sự chuyển biến về nhận thức cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi biên giới, hải đảo về giá trị của rừng trồng gỗ lớn.

Ðây cũng là động lực góp phần để Quảng Ninh cùng các địa phương trong cả nước triển khai thực hiện thành công đề án phát triển rừng gỗ lớn gắn với phát triển lâm nghiệp bền vững.