Quảng Ninh nâng cao tỷ lệ che phủ rừng

Quảng Ninh hiện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm 68,4% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, trong đó có 370.213ha đất có rừng (đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước).
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình trồng cây Trà hoa vàng ở huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm. (Ảnh QUANG THỌ)
Mô hình trồng cây Trà hoa vàng ở huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm. (Ảnh QUANG THỌ)

Đến nay, Quảng Ninh giao đất, giao rừng được hơn 275.300ha cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; đồng thời tăng cường quản lý chặt chẽ đất bãi triều, diện tích rừng ngập mặn. Tỉnh đã trồng mới và trồng bổ sung được 560ha rừng ngập mặn, trở thành địa phương có diện tích trồng rừng ngập mặn lớn nhất khu vực phía bắc.

Quý I/2023, GRDP của tỉnh Nam Định tăng 7,7%

Quý I/2023, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Nam Định tiếp tục duy trì ổn định và có bước phát triển so với cùng kỳ năm 2022. Tổng sản phẩm GRDP tăng 7,7% (đứng thứ 15 cả nước và thứ 7 ở vùng đồng bằng sông Hồng); tổng đầu tư toàn xã hội tăng 13,2%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 14%.

Các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững tiếp tục được đẩy mạnh. Toàn tỉnh có 182/204 xã, thị trấn (chiếm 89,2%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bảy xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Hải Phòng mở tuyến xe buýt kết nối đảo Cát Bà

Từ ngày 15/4, tuyến xe buýt số 14 trên đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng) sẽ chính thức hoạt động. Tuyến xe có điểm đầu là bến phà Cái Viềng và điểm cuối là thị trấn Cát Bà và ngược lại.

Như vậy, cùng với tuyến xe buýt số 16C từ bến xe Thượng Lý đi bến phà Gót và ngược lại đã triển khai trước đó, người dân và du khách từ khu vực nội thành Hải Phòng có thêm lựa chọn đi và về khu du lịch Cát Bà bằng xe buýt kết hợp phà với chi phí hợp lý và giảm thời gian chờ phà khi sử dụng phương tiện cá nhân…

Bàn giải pháp thúc đẩy nông nghiệp phát triển

Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình vừa tổ chức hội nghị với chủ đề “Chuyển giao công nghệ-đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao-khởi nghiệp nông nghiệp”.

Hội nghị chỉ ra những nút thắt, khó khăn trong phát triển tam nông, bàn giải pháp thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nông dân làm giàu từ nông nghiệp, doanh nghiệp đầu tư và phát triển cùng nông nghiệp. Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận về một số vấn đề như chuyển giao, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và việc khởi nghiệp nông nghiệp...

Dịp này, Học viện Nông nghiệp Việt Nam ký kết biên bản hợp tác với sở giáo dục và đào tạo, sở khoa học và công nghệ các tỉnh: Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam và Nam Định về đào tạo nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp.

Nông dân Hải Dương thu 270 tỷ đồng từ cà-rốt

Nông dân huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương vừa cơ bản thu hoạch xong vụ cà-rốt. Gần 1.500ha cà-rốt vụ đông xuân của nông dân gieo trồng trên địa bàn xã Đức Chính (360ha) và hơn 1.100ha của hơn 200 hộ nông dân xã Đức Chính thuê ruộng gieo trồng ở các tỉnh Thái Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội và Hải Dương, đều có chất lượng cao và đạt năng suất bình quân hơn 40 tấn/ha.

Năm nay, sản lượng cà-rốt xuất khẩu chiếm gần 80%, tăng gần 10% so với vụ trước; chủ yếu được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, một số nước Đông Nam Á và khu vực Trung Đông. Tổng sản lượng cà-rốt cả vụ của nông dân Đức Chính đạt khoảng gần 60.000 tấn, giá trị từ cà-rốt đạt khoảng 270 tỷ đồng.

Giải ngân vốn đầu tư công ở Ninh Bình đạt cao

Đến nay, tỉnh Ninh Bình đã giải ngân gần 890 tỷ đồng vốn đầu tư công; trong đó, vốn ngân sách Trung ương đạt hơn 254 tỷ đồng; vốn cân đối ngân sách địa phương 635 tỷ đồng. Từ nguồn vốn nêu trên, nhiều công trình, dự án trọng tâm, có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh được đẩy tiến độ như: Tuyến đường Đông - Tây, đường T21, đường tỉnh 482 kết nối quốc lộ 1A với quốc lộ 10, quốc lộ 12B.

Đồng thời, tỉnh khởi công xây dựng một số dự án mới như: Dự án xây dựng cầu vượt sông Vân và đường dẫn phía tây sông Vân; hệ thống kênh thoát lũ phía đông thành phố Tam Điệp, cải tạo, nâng cấp tuyến đường WB thuộc huyện Kim Sơn. Với kết quả nêu trên, Ninh Bình được xếp đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

Bắc Ninh xếp thứ bảy về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Theo Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa công bố, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục xếp thứ bảy trên 63 tỉnh, thành phố cả nước, với 69,08 điểm.

Bắc Ninh có sáu chỉ số tăng điểm so với năm 2021 là: Gia nhập thị trường tăng 0,6 điểm; Tính minh bạch tăng 0,2 điểm; Chi phí thời gian tăng 0,07 điểm; Cạnh tranh bình đẳng tăng 0,64 điểm; Đào tạo lao động tăng 0,83 điểm; Thiết chế pháp lý tăng 0,03 điểm. Tính riêng trong khu vực đồng bằng sông Hồng, tỉnh Bắc Ninh xếp thứ ba sau tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022.

Hà Nam có 19 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu

Sau hai năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Hà Nam đã đạt những kết quả quan trọng, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2022 tăng 1,93%/năm; cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi-thủy sản, giảm dần tỷ trọng trồng trọt-lâm nghiệp; giá trị sản phẩm/đơn vị canh tác năm 2022 đạt 130,1 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2022 đạt 53,7 triệu đồng/năm; 98% dân số ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Toàn tỉnh Hà Nam hiện có 19/83 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.