Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và đổi mới sáng tạo trong phát triển

Viện Xã hội học và Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) phối hợp Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ (tỉnh Bắc Ninh) vừa tổ chức Hội thảo "Vai trò và các nhân tố ảnh hưởng tới nâng cao năng suất nhân tố tổng hợp dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo".

Các ý kiến tại hội thảo nhận định: Việc tăng cường đóng góp của khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nâng cao các nhân tố tổng hợp là việc cần thiết để bảo đảm thúc đẩy tăng trưởng nhanh và dài hạn, nhất là đối với tỉnh Bắc Ninh, địa phương có định hướng phát triển công nghiệp. Thời gian tới, Bắc Ninh cần đẩy mạnh việc phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số; tăng cường áp dụng công nghệ cao trong sản xuất để nâng cao năng suất lao động, tiến tới xây dựng nền công nghiệp hiện đại, thông minh, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

Kỷ niệm 15 năm UNESCO ghi danh Dân ca Quan họ Bắc Ninh

Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh vừa thông qua Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 15 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, với một chuỗi các hoạt động phong phú, thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc. Các hoạt động được tổ chức cao điểm từ ngày 10 đến 25/11/2024, trong đó điểm nhấn là Chương trình kỷ niệm 15 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với sự tham dự của 1.000 đại biểu. Dịp này, tỉnh cũng sẽ tổ chức Liên hoan các làng Quan họ thực hành tỉnh Bắc Ninh năm 2024...

Hải Phòng đưa phà biển Bayview Cát Bà vào hoạt động

Thành phố Hải Phòng vừa chính thức đưa vào hoạt động tuyến phà biển Bayview Cát Bà - một dự án giao thông quan trọng nhằm cải thiện và tạo thuận lợi cho người dân và du khách đến với quần đảo Cát Bà. Tuyến phà biển Bayview Cát Bà gồm 5 phà biển được đóng mới với tổng mức đầu tư hơn 130 tỷ đồng. Phà mới được thiết kế hiện đại, khoang hành khách có máy lạnh và có tốc độ tối đa 12 hải lý/giờ, rút ngắn thời gian chuyên chở giữa 2 bến xuống còn 10 phút. Trong một ngày, phà có thể chạy tối đa 140 chuyến trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Công suất vận tải của mỗi phà được nâng lên gấp 2 lần so với phà cũ, sức chở tối đa 500 hành khách.

Tỉnh Nam Định hiện có hơn 164.300 đoàn viên công đoàn

Năm 2024, Liên đoàn Lao động tỉnh Nam Ðịnh đặt chỉ tiêu phát triển thêm 12 nghìn đoàn viên công đoàn, thành lập mới 21 công đoàn cơ sở và ba nghiệp đoàn cơ sở ở khu vực phi chính thức. Ðến nay, đã thành lập mới 25 công đoàn cơ sở, trong đó 14 công đoàn cơ sở thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công đoàn cơ sở thuộc doanh nghiệp ngoài nhà nước; phát triển mới gần 8.200 đoàn viên công đoàn, trong đó có hơn 4.350 đoàn viên ở các đơn vị đã có tổ chức công đoàn và gần 3.830 đoàn viên ở đơn vị mới thành lập tổ chức công đoàn. Hiện tại, Liên đoàn Lao động tỉnh Nam Ðịnh quản lý 1.655 công đoàn cơ sở với tổng số hơn 164.300 đoàn viên công đoàn; trong đó khu vực hành chính sự nghiệp nhà nước có 1.268 công đoàn cơ sở với gần 48.200 đoàn viên; khu vực sản xuất, kinh doanh có 387 công đoàn cơ sở với gần 116.160 đoàn viên.

Nhà máy ô-tô Thành Công Việt Hưng vận hành sản xuất vào cuối năm 2024

Tổ hợp Công nghiệp ô-tô và phụ trợ Thành Công Việt Hưng được xây dựng trên diện tích 340 ha, thuộc Khu công nghiệp Việt Hưng (thành phố Hạ Long), do Tập đoàn Thành Công làm chủ đầu tư. Nhà máy ô-tô Thành Công Việt Hưng xây dựng trên diện tích 36,5 ha, được thiết kế là nơi sản xuất, lắp ráp ô-tô thương hiệu Skoda theo chương trình hợp tác đầu tư của hãng ô-tô hàng đầu Cộng hòa Séc với Tập đoàn Thành Công. Sau hơn 2 năm thi công, hiện các hạng mục chính của nhà máy cơ bản hoàn thành. Theo tiến độ này, đến cuối năm 2024, Quảng Ninh chính thức có nhà máy ô-tô đầu tiên vận hành sản xuất.

Hợp tác triển khai dự án tín chỉ các-bon tại Hải Dương

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương phối hợp một số công ty của Nhật Bản và công ty trong nước tìm kiếm các địa điểm có thể triển khai thí điểm mô hình tín chỉ các-bon tại nơi có quy mô sản xuất lúa dưới 100 ha. Khi triển khai, tỉnh sẽ xây dựng từ 10-20 vùng thí nghiệm với tổng diện tích từ 1.000-2.000 ha/vụ. Dự án nhằm thúc đẩy chuyển giao và phổ biến các công nghệ phát thải các-bon thấp hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển nông nghiệp bền vững và hỗ trợ thực hiện cam kết quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Nhật Bản, trong đó có Việt Nam. Hải Dương hiện có 54.000 ha sản xuất lúa/vụ, với năng suất lúa bình quân 63-64 tạ/ha, sản lượng ước đạt 685.000 tấn.