Ðến nay, tỉnh Hà Nam được đánh giá là đứng đầu cả nước với tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 66,61%, cao gấp hơn 3 lần so với trung bình cả nước (17%). Hệ thống thủ tục hành chính đã được kết nối đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia, giúp tăng tốc độ xử lý và tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời tạo sự công khai, minh bạch, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Hà Nam cũng là địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện Ðề án 06, kết nối Trung tâm Ðiều hành thông minh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau thời gian triển khai, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã có nhiều tác động tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng của Hải Phòng tăng hơn 14% so với cùng kỳ
Tính đến hết tháng 9/2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố Hải Phòng đạt 9,77%, cao gấp 1,43 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước; đứng thứ 8 cả nước và đứng thứ 2 vùng Ðồng bằng sông Hồng. Ðặc biệt, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn đã phục hồi nhanh chóng sau bão số 3 và phát triển tích cực với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng hơn 14%, cao hơn cùng kỳ 9 tháng hai năm trở lại đây và gấp 1,6 lần chỉ số IIP của cả nước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,73%, đóng góp 13,99 điểm phần trăm; sản xuất, phân phối điện tăng 2,06%, đóng góp 0,15 điểm phần trăm...
Sản xuất sản phẩm sàn đá công nghệ SPC tại Công ty Pha Lê Plastics (Khu công nghiệp MP Ðình Vũ, Hải Phòng). |
Ninh Bình chủ trương đầu tư hơn 466 tỷ đồng xây dựng Trạm biến áp 220kV
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình vừa chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Trạm biến áp 220 kV Tam Ðiệp và đấu nối. Theo đó, nhà đầu tư được tỉnh Ninh Bình lựa chọn là Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia. Dự án có quy mô công suất 500 MVA, trong đó giai đoạn này lắp đặt 250 MVA; tổng vốn đầu tư hơn 466 tỷ đồng; nhằm bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định cho khu vực tỉnh Ninh Bình nói riêng và hệ thống điện miền bắc nói chung.
Từ nay đến quý IV/2025, dự án sẽ hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng và thủ tục pháp lý khác có liên quan và khởi công công trình. Từ quý IV/2025 đến quý IV/2026, dự án sẽ xây dựng các hạng mục công trình và đóng điện đưa vào hoạt động.
Bắc Ninh nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối thoại
Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Ninh vừa tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối thoại trên địa bàn tỉnh trong tình hình hiện nay”. Các ý kiến tại hội thảo khẳng định, đối thoại trực tiếp là một trong những giải pháp quan trọng nhằm kịp thời nắm bắt thông tin, dư luận, tình hình địa bàn, tạo tác động tích cực hai chiều giữa cấp ủy, chính quyền và người dân góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh trật tự, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Ðồng thời, đề xuất giải pháp về nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện đối thoại với nhân dân; phát huy vai trò của mặt trận các cấp, các tổ chức đoàn thể trong công tác đối thoại; kinh nghiệm tiếp xúc, đối thoại với nhân dân trong triển khai các dự án, công trình trọng tâm của tỉnh, các địa phương... Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 1.595 cuộc đối thoại, tiếp nhận 13.719 đơn khiếu nại, tố cáo và đã giải quyết hơn 80% đơn thuộc thẩm quyền.
Quảng Ninh giao 5.500 ha khu vực biển nuôi trồng thủy sản cho người dân
Trên cơ sở Ðề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển huyện Vân Ðồn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 đã được phê duyệt, dự kiến trong năm 2024 huyện Vân Ðồn (Quảng Ninh) sẽ giao mốc giới khu vực biển khoảng 7.000 ha mặt nước biển cho 85 hợp tác xã với hơn 1.000 hộ dân để khôi phục nuôi trồng thủy sản. Ðến nay, huyện Vân Ðồn đã tổ chức họp, hướng dẫn đăng ký, niêm yết công khai bản đồ các vùng khôi phục hoạt động nuôi trồng thủy sản, bố trí sắp xếp vị trí theo từng khu vực cụ thể.
Các hộ nuôi trồng thủy sản của huyện Vân Ðồn tích cực xuống giống mới sau bão số 3. |
Hiện, huyện đã tạm giao cho 57 hợp tác xã, tổng số 912 thành viên, với tổng diện tích 5.500 ha khu vực biển nuôi trồng, tăng 42% so với trước bão số 3. Các hộ dân đã thả phao nuôi hàu được khoảng 1.000 ha, xuống giống mới được 200 ha. Ðối với nuôi cá, đã khôi phục được 2.650 ô lồng cá.
Hải Dương đầu tư 345 tỷ đồng làm đường gom dọc Quốc lộ 5
Tỉnh Hải Dương vừa thống nhất chủ trương đầu tư Dự án đường gom dọc Quốc lộ 5 đoạn qua huyện Cẩm Giàng, với tổng trị giá hơn 345 tỷ đồng. Tổng chiều dài các đoạn tuyến đường gom (bên phải và bên trái Quốc lộ 5) gần 2,5 km được xây dựng theo tiêu chuẩn TCVN 4054:2005 (tương đương đường cấp IV - đồng bằng) phù hợp với quy mô quy hoạch được duyệt.
Dự án sử dụng khoảng 3,22 ha đất tại huyện Cẩm Giàng và sẽ hoàn thành vào năm 2026. Mục tiêu đầu tư dự án nhằm kết nối đồng bộ các đoạn tuyến đường gom trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, nâng cao khả năng khai thác, bảo đảm an toàn giao thông, cải thiện điều kiện đi lại, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 5...