Theo đó, việc tổ chức các hoạt động tri ân diễn ra từ tháng 5 đến hết tháng 7, trong đó tập trung cao điểm vào tháng 7 nhằm mục tiêu tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là quan tâm đến thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Các hoạt động tri ân gồm: Giải quyết kịp thời, đầy đủ các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; đầu tư xây dựng sửa chữa, nâng cấp 1.752 phần mộ liệt sĩ và 8 nghĩa trang liệt sĩ với tổng kinh phí hơn 15,5 tỷ đồng; tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đưa vào nghĩa trang liệt sĩ; thực hiện điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho gần 9.400 lượt người có công với tổng kinh phí 15,1 tỷ đồng.
Tiếp tục vận động các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội chăm sóc, phụng dưỡng hàng tháng đối với các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng; triển khai khám bệnh, tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh bị tổn thương cơ thể từ 81% trở lên; phát động, vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh; tổ chức gặp mặt Bà Mẹ Việt Nam anh hùng; thăm hỏi, tặng quà gia đình người có công, thân nhân người có công với cách mạng và các gia đình liệt sĩ; dâng hương và thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn toàn tỉnh…
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các hoạt động kỷ niệm phải thiết thực, trang trọng, hiệu quả, tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức và trở thành đợt giáo dục truyền thống, sinh hoạt chính trị sâu rộng, huy động toàn thể đảng viên, cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh hưởng ứng tham gia.