Quảng Ngãi phát huy giá trị di sản văn hóa biển đảo

Với chiều dài hơn 130 km bờ biển, tỉnh Quảng Ngãi được các nhà nghiên cứu đánh giá là vùng đất hội tụ nhiều giá trị di sản văn hóa biển đảo đặc sắc. Đây là tiềm năng, lợi thế lớn để Quảng Ngãi đẩy mạnh du lịch, từng bước đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Đảo Lý Sơn, vùng đất tinh hoa di sản lễ hội và địa chất.
Đảo Lý Sơn, vùng đất tinh hoa di sản lễ hội và địa chất.

Nói đến Quảng Ngãi, mọi người nghĩ ngay đến Lý Sơn. Hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc nằm giữa Biển Đông không chỉ được mệnh danh là “Vương quốc tỏi” mà còn chứa đựng một hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đa đạng và độc đáo.

“Mảnh đất vàng” về di sản

Theo các nhà nghiên cứu, đảo Lý Sơn là vùng đất tinh hoa di sản lễ hội và địa chất. Trải qua 11 triệu năm kiến tạo từ những đợt phun trào núi lửa đầu tiên, Lý Sơn sở hữu quần thể thắng cảnh tuyệt tác, địa hình, địa mạo độc đáo với các miệng núi lửa lộ thiên trên cạn, nhiều miệng núi lửa, trầm tích núi lửa, cổng đá dưới nước và nghĩa địa tàu cổ đắm không những chứa đựng giá trị văn hóa mà còn mang dấu vết con đường giao thương tơ lụa và gốm sứ thuộc nhiều niên đại khác nhau.

Hòn đảo nhỏ bé, diện tích chỉ chừng 10 km2 nhưng là nơi hội tụ, giao thoa tinh hoa của các nền văn hóa lớn như Chăm-pa, Sa Huỳnh và Đại Việt với hệ thống sáu di tích cấp quốc gia, hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh và nhiều di chỉ khảo cổ, di tích kiến trúc tín ngưỡng mang đậm sắc thái văn hóa biển.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, sự đa dạng, độc đáo về hệ thống văn hóa vật thể và phi vật thể đan xen, tích hợp lẫn nhau đã tạo nên một dòng chảy lịch sử-văn hóa trên đất đảo, được bảo tồn dường như nguyên vẹn. Đặc biệt, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa-Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là lễ hội mang tính đặc trưng riêng có của đảo Lý Sơn mà không có nơi nào trong cả nước có được.

Đây là lễ hội duy nhất gắn liền với lịch sử ra đời và hoạt động của Đội Hoàng Sa, với lịch sử chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên Biển Đông. “Lý Sơn tiềm ẩn nhiều giá trị văn hóa khác biệt và một hòn đảo trùng trùng cảnh quan thiên nhiên đa dạng, độc đáo, là một bảo tàng sống động về di sản văn hóa”, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ đánh giá.

Chính vì được xem là “mảnh đất vàng” về di sản, huyện đảo Lý Sơn mang trong mình đầy đủ những yếu tố để khai thác, phát huy “sức mạnh mềm”. Đảo Lý Sơn trở thành sự lựa chọn yêu thích của du khách trong và ngoài nước khi đến Quảng Ngãi.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn Lê Văn Ninh, nhờ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu được gìn giữ mà Lý Sơn hôm nay trở thành điểm đến của đông đảo du khách, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện đảo theo hướng bền vững.

Tập trung phát triển du lịch biển đảo

Quảng Ngãi luôn tự hào là nơi đầu tiên phát hiện ra Văn hóa Sa Huỳnh, nơi có địa danh mà nền văn hóa mang tên, cũng là trung tâm của Văn hóa Sa Huỳnh, một trong ba nền văn hóa cổ của Việt Nam có niên đại cách đây từ 2.500-3.000 năm; giao thoa, tương tác với Văn hóa Đông Sơn ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và văn hóa vùng Đông Nam Bộ. “Những hiện vật của Văn hóa Sa Huỳnh có giá trị rất lớn và được các nhà khoa học, khảo cổ học đánh giá rất cao. Sự hiện diện của nền văn hóa cổ tại Quảng Ngãi thật sự là một thế mạnh không phải nơi nào cũng có”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Liêm, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia khẳng định.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh, những năm qua, du lịch biển đảo trở thành loại hình du lịch chủ đạo trong chiến lược phát triển du lịch của Quảng Ngãi, góp phần phát huy tài nguyên kinh tế biển, văn hóa biển đặc sắc của cộng đồng cư dân ven biển. Tỉnh đã ký hợp tác với các tỉnh, thành phố trong khu vực; ký thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025 giữa thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm miền trung, qua đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp du lịch kết nối, khảo sát, xây dựng sản phẩm liên minh kích cầu du lịch, nhất là khai thác sản phẩm dành cho đối tác liên kết “Hành trình khám phá di sản địa chất, văn hóa biển đảo” của Quảng Ngãi.

Tỉnh Quảng Ngãi đã xác định phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2021-2025. Đến nay, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành Nghị quyết số 05 về đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các kế hoạch định hướng cơ cấu lại và phát triển du lịch của tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng và bền vững, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, là một trong những điểm đến hấp dẫn trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ, từng bước tạo dựng thương hiệu trên bản đồ du lịch của cả nước.

Tỉnh xác định, tài nguyên biển đảo và Văn hóa Sa Huỳnh là những giá trị cốt lõi của thương hiệu du lịch Quảng Ngãi. Trong đó, phát triển du lịch biển đảo làm chủ đạo, lấy Lý Sơn làm hạt nhân trong tứ giác phát triển: Lý Sơn-Bình Sơn-Mỹ Khê-Sa Huỳnh; tập trung khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch biển đảo để hình thành các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, tổ hợp giải trí có quy mô lớn; lấy phát triển du lịch văn hóa, du lịch địa chất làm trọng tâm để tạo ra các sản phẩm du lịch khác biệt, riêng có so với các địa phương trong vùng.

Đồng thời, tỉnh tập trung thu hút đầu tư để phát triển khu vực động lực Dung Quất-Lý Sơn, trong đó, phát triển Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển đảo quốc gia, phát triển khu vực bãi biển Mỹ Khê thành khu du lịch quốc gia, chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của Văn hóa Sa Huỳnh để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.