Dung Quất, điểm sáng thu hút đầu tư
Khu kinh tế Dung Quất có tổng diện tích quy hoạch 45.332 ha, là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là phát triển các tổ hợp công nghiệp nặng, các dự án quy mô lớn gắn với khai thác và phát triển cảng biển nước sâu Dung Quất có thể tiếp nhận tàu đến 200.000 tấn, là cửa ngõ quan trọng cho xuất, nhập khẩu hàng hóa trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có bảy khu công nghiệp, trong đó có năm khu công nghiệp nằm trong Khu kinh tế Dung Quất và 24 cụm công nghiệp phụ trợ đang hoạt động hiệu quả. Tính đến thời điểm này, tại Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã thu hút được 348 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 391.053 tỷ đồng (tương đương 18,138 tỷ USD), trong đó có 60 dự án đầu tư FDI, vốn đăng ký đầu tư hơn 2 tỷ USD và 288 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký 345.810 tỷ đồng (tương đương hơn 16,1 tỷ USD).
Theo Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi, Hà Hoàng Việt Phương, Khu kinh tế Dung Quất là một trong năm khu kinh tế ven biển được Chính phủ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng và có chính sách ưu đãi cao nhất Việt Nam, hiện đã thu hút nhiều dự án công nghiệp có quy mô lớn, dự án trọng điểm quốc gia như Nhà máy lọc dầu Dung Quất công suất 6,5 triệu tấn/năm và đang đầu tư nâng cấp lên 8 triệu tấn/năm; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất công suất 5,6 triệu tấn/năm; Nhà máy công nghiệp nặng Doosan với tổng mức vốn đầu tư 315 triệu USD.
“Trong năm khu công nghiệp nằm trong Khu kinh tế Dung Quất, Khu công nghiệp-dịch vụ-đô thị VSIP Quảng Ngãi là một trong những khu công nghiệp VSIP thành công nhất mà VSIP Group đầu tư tại Việt Nam, với tỷ lệ lấp đầy lên đến 70%”, đồng chí Hà Hoàng Việt Phương nhấn mạnh. VSIP Quảng Ngãi hiện thu hút 38 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ USD, trong đó có 33 dự án FDI đến từ các quốc gia như Bỉ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia, với vốn đầu tư 1,195 tỷ USD và năm dự án trong nước, vốn đầu tư hơn 129 tỷ đồng (tương đương 5,7 triệu USD).
Thu hút dự án có sức lan tỏa cao
Tại Hội nghị giới thiệu về Quảng Ngãi, nhằm quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến các đối tác quốc tế, giúp Quảng Ngãi mở rộng không gian hội nhập quốc tế diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 10 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Ðặng Văn Minh cho biết, theo quy hoạch và định hướng phát triển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định hai trọng tâm phát triển là mở rộng, xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất và trung tâm du lịch biển đảo tại Lý Sơn, từ đó tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho tỉnh và các nhà đầu tư; đồng thời phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tập trung tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung.
Ðể hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hướng tới xây dựng chính quyền “phục vụ doanh nghiệp”. Ngoài các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định, nhà đầu tư đến với Quảng Ngãi sẽ được hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; phát triển thị trường, cung cấp thông tin tùy vào từng địa bàn và ngành nghề đầu tư. Riêng đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất, nhà đầu tư được áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất hiện nay của Việt Nam.
Tỉnh dành nhiều ưu đãi cho các dự án công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ; sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ 30% trở lên, sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Giai đoạn 2021-2025, Quảng Ngãi kêu gọi đầu tư nhiều dự án lớn ở lĩnh vực công nghiệp, kế đến là dịch vụ, du lịch, thương mại, hạ tầng, giao thông, môi trường, đô thị, khu dân cư; trong đó ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư đối với những dự án lớn, những dự án có tính lan tỏa mạnh mẽ, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng và địa phương, tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững.
Ðối với Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi, tỉnh tập trung thu hút các ngành công nghiệp nền tảng, lợi thế (công nghiệp lọc hóa dầu, năng lượng, luyện cán thép, cơ khí, đóng tàu biển), ưu tiên thu hút các ngành công nghệ cao, công nghiệp sạch; công nghiệp hỗ trợ; chế biến, chế tạo; năng lượng tái tạo đưa Khu kinh tế Dung Quất trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, vận tải, kho bãi, logistics, thương mại của vùng; thu hút và phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí hiện đại, đẳng cấp mang tầm quốc tế.
Trước mắt, tỉnh dành khoảng 1.600 ha đất trong Khu kinh tế Dung Quất, Khu công nghiệp Tịnh Phong để thu hút đầu tư một số nhóm dự án gồm: Sản xuất dệt, may mặc, giày da; chế biến thực phẩm, nước giải khát; cơ khí chế tạo thiết bị lớn, sản xuất kim loại và gia công thép; sản xuất sản phẩm thép hạ nguồn; sản xuất điện dân dụng, thiết bị, vật liệu điện đa dụng, điện tử; công nghiệp hỗ trợ và logistics.
“Với quan điểm không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu trở thành “điểm đến lý tưởng” đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh Quảng Ngãi luôn coi lợi ích hợp pháp và thành công của nhà đầu tư là lợi ích và thành công của chính mình”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðặng Văn Minh cam kết.