Đà Nẵng tăng cường năng lực ứng phó thiên tai tại chỗ

Trước diễn biến thiên tai phức tạp, khó lường và cực đoan, các cấp chính quyền thành phố Ðà Nẵng đã và đang quán triệt phương châm "4 tại chỗ" trong phòng, chống thiên tai, nhằm chủ động ứng phó, bảo vệ tài sản và tính mạng người dân trong mùa mưa bão.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân gia cố, chằng chéo nhà cửa trong cơn bão số 6 vừa qua.
Người dân gia cố, chằng chéo nhà cửa trong cơn bão số 6 vừa qua.

Các lực lượng chức năng cùng chính quyền địa phương đã tăng cường tính chủ động; phân cấp chỉ huy, huy động lực lượng và phương tiện tại chỗ giúp rút ngắn thời gian ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai một cách nhanh chóng. Trong đợt mưa lớn diện rộng tháng 10/2023, nhờ điều động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ ứng trực tại các địa bàn trọng điểm về ngập lụt, các lực lượng vũ trang đã kịp thời giải cứu 12 người mắc kẹt do mưa lớn gây ngập lụt, nước chảy xiết tại kiệt 161 đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu).

Ðây là một trong những hiệu quả ứng phó điển hình của lực lượng vũ trang trong công tác phòng chống thiên tai nhờ quán triệt phương châm "4 tại chỗ" trong đợt mưa lớn, ngập lụt.

Công tác ứng phó bão số 6 của Ðà Nẵng vừa qua cũng cho thấy, trước khi bão đổ bộ, các cấp chính quyền từ thành phố đến địa phương đã thể hiện tinh thần khẩn trương, rốt ráo, bài bản và trách nhiệm, nhờ đó không có thiệt hại về người.

Theo báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, thời gian qua, công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, được các cấp chính quyền và sở, ban, ngành quan tâm.

Ðặc biệt, trong phòng chống thiên tai đã triển khai nhiều hoạt động ở giai đoạn phòng ngừa; công tác phòng chống thiên tai chuyển hướng dần từ bị động phòng ngừa, sang chủ động quản lý rủi ro thiên tai, tăng cường năng lực ứng phó. Ðiều này được thể hiện qua việc thành phố chú trọng công tác tổ chức bộ máy thực hiện phòng chống thiên tai các cấp; cấp phát trang thiết bị, phương tiện phòng chống thiên tai cho các cấp, ngành, đơn vị, địa phương; chuẩn bị đầy đủ các nhu yếu phẩm, thuốc men, nhiên liệu để phục vụ công tác cứu trợ khi có thiên tai xảy ra.

Ðồng thời, thành phố cũng đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về ứng phó thiên tai. Theo đó, thực hiện đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, thành phố đã tổ chức 45 lớp tập huấn tuyên truyền giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu đến người dân tại tổ dân phố, thôn và một số khu vực thường xuyên ảnh hưởng bởi thiên tai.

Có thể thấy, kết quả đạt được của công tác phòng chống thiên tai thời gian qua là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các ngành chức năng và sự tham gia tích cực, tuân thủ của người dân địa phương. Việc triển khai phương châm "4 tại chỗ" đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ cuộc sống và tài sản của người dân thành phố trong mùa mưa bão.

Theo phương án phòng chống thiên tai năm 2024, trong trường hợp bão và bão mạnh, số lượng người dự kiến cần sơ tán trên toàn thành phố là hơn 29.000 người, trong đó huyện Hòa Vang là khu vực dự kiến cần sơ tán nhiều nhất.

Theo Ủy ban nhân dân huyện Hòa Vang, năm 2022 chịu ảnh hưởng bởi bão số 4, số 5 và đợt mưa lớn, toàn huyện đã di dời hơn 7.000 hộ với hơn 25.000 nhân khẩu. Năm 2023, chịu ảnh hưởng hai đợt mưa lớn, toàn huyện đã di dời hơn 200 hộ với hơn 700 nhân khẩu.

Là một trong những địa bàn nguy cơ xảy ra thiên tai cao, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Bắc Trương Thanh Nhân cho biết, tại Hòa Bắc khi mưa lớn kéo dài với cường độ lớn, các thôn như: Nam Yên, Lộc Mỹ, An Ðịnh sẽ bị chia cắt, việc tiếp cận để nắm bắt, ứng cứu gặp rất nhiều khó khăn do hạn chế về phương tiện, hầu như chỉ sử dụng đội xung kích phòng chống thiên tai tại các thôn bị chia cắt.

Mặt khác, tỷ lệ nhà kiên cố để người dân tránh bão mạnh còn ít dẫn đến sơ tán tại chỗ gặp rất nhiều khó khăn. Một số thôn như: An Ðịnh, Lộc Mỹ chưa có các công trình công cộng kiên cố để di dời tập trung. "Ðây cũng là một trong những quan tâm lớn của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai khi có các đợt siêu bão xảy ra", ông Trương Thanh Nhân chia sẻ.

Thực tế cho thấy, các địa phương cũng chưa phát huy được vai trò đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã trong xử lý, ứng cứu ngay từ đầu, do phần lớn còn hạn chế năng lực dự báo thiên tai, kỹ năng và phương tiện ứng phó. Cho nên, để ứng phó hiệu quả và kịp thời với các tình huống thiên tai, cần có sự đầu tư đồng bộ hơn về cơ sở vật chất và nâng cao năng lực dự báo, ứng phó của đội ngũ phòng chống thiên tai tại cơ sở.

Ðể nâng cao năng lực phòng chống thiên tai trên địa bàn thành phố, tháng 9/2024, Ủy ban nhân dân thành phố Ðà Nẵng đã hoàn thiện phương án phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai ứng với một số kịch bản thiên tai năm 2024 trên địa bàn thành phố.