Điểm tựa cho ngư dân nơi đầu sóng

Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh hải, an ninh biên giới quốc gia, thời gian qua, Hải đội 2 (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) còn là điểm tựa của người dân trong phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn và đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Tàu Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Nghệ An cứu nạn ngư dân và tàu cá gặp nạn trên biển.
Tàu Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Nghệ An cứu nạn ngư dân và tàu cá gặp nạn trên biển.

Điểm tựa vững chắc

Có mặt tại Hải đội 2 những ngày cuối tháng 10 - thời điểm thường có diễn biến thời tiết phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho tàu và ngư dân khai thác hải sản trên biển, các cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 luôn trong tâm thế sẵn sàng ra khơi cứu hộ, cứu nạn bất cứ lúc nào khi nhận được thông tin ngư dân gặp sự cố.

10 năm gắn bó với đơn vị, Thiếu tá, Hải đội trưởng Hải đội 2 Trương Văn Bịch không nhớ nổi anh và cán bộ, chiến sĩ đã tham gia bao nhiêu lượt cứu hộ, cứu nạn trên biển, giúp đỡ bao nhiêu ngư dân giành lại sự sống từ "tử thần".

Thiếu tá Trương Văn Bịch nhớ lại: Cách đây không lâu, bão số 4 chuẩn bị đổ vào vùng biển Bắc Trung Bộ được dự báo có diễn biến bất thường, với gió mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 12. Vừa qua, nhận được tin báo, tàu cá NA 95688TS do ông Bùi Ngọc Kiên ở xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) làm thuyền trưởng cùng 15 thuyền viên đang hoạt động tại khu vực cách biển Hà Tĩnh khoảng 60 hải lý thì bị hỏng máy, rò nước, có nguy cơ bị chìm cần được cứu nạn khẩn cấp.

Nhận được lệnh, Thiếu tá Trương Văn Bịch thời điểm ấy là Phó Hải đội trưởng trực tiếp chỉ huy, điều động tàu BP 06-19-01 cùng 12 cán bộ, chiến sĩ xuất kích, thực hiện nhiệm vụ cứu ngư dân. Tại thời điểm xuất phát, vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Bình có gió giật mạnh. Khi tàu vừa ra khỏi luồng Cửa Hội, những con sóng lớn đánh trùm lên cả con tàu như muốn nuốt chửng.

Mặc dù thời tiết diễn biến ngày càng xấu, ra khơi sẽ đối mặt với hiểm nguy nhưng toàn tàu đều thể hiện quyết tâm, phải chạy đua từng giờ, từng phút với bão số 4, tiếp cận tàu bị nạn càng sớm càng tốt và phải đưa về bờ trước bão đổ bộ vào đất liền. Ðó là mệnh lệnh đặt ra cho cán bộ, chiến sĩ tàu cứu hộ phải thực hiện.

Sau hơn năm giờ đồng hồ vượt qua bao sóng dữ, tàu BP 06-19-01 đã tiếp cận được thuyền bị nạn. Ðến 21 giờ cùng ngày, tàu bị nạn được lai dắt vào cảng Cửa Hội thành công, tất cả 16 ngư dân đều vào bờ an toàn trước khi bão số 4 đổ bộ vào bờ. Các ngư dân tàu bị nạn đều nắm lấy tay từng cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, rưng rưng: "Cảm ơn các chú! Các chú mà không ra kịp thì tàu chìm, chúng tôi chết hết!".

15 năm gắn bó với biển, Ðại úy, Thuyền trưởng tàu BP 06-19-01 Trần Quang Vinh đã nếm trải đủ những vị "mặn" của biển khi tham gia cứu hộ, cứu nạn ở nhiều điều kiện thời tiết khắc nghiệt khác nhau.

Ðại úy Vinh chia sẻ: Mưa bão cuối năm là thời điểm mà anh em luôn phải sẵn sàng về phương tiện, lực lượng để nhận nhiệm vụ. Khi có tình huống xảy ra, chúng tôi thực hiện nhiệm vụ với tinh thần, trách nhiệm cao nhất nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân. Khó khăn nhất là những cuộc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ngư dân trên biển vào ban đêm, hoạt động trong điều kiện sóng to, gió lớn, chỉ cần một sơ suất nhỏ sẽ khiến mọi thứ trở nên phức tạp, khó lường. Vì thế, công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đòi hỏi phải nhanh, chính xác và phán đoán đúng vị trí tàu gặp nạn, từ đó tiếp cận và đưa ra phương án ứng cứu kịp thời. Có những trường hợp, thời tiết quá xấu việc tiếp cận tàu bị nạn mất nhiều thời gian, tưởng chừng như không còn hy vọng. Hay tàu cứu nạn BP 06-19-01 thiết kế chỉ chịu được sóng gió cấp 7, cấp 8, tuy nhiên có nhiều trường hợp khẩn cấp, vượt "cấp" sóng vẫn phải chạy đua với "tử thần" để cứu ngư dân bị nạn. Thuyền trưởng tàu BP 06-19-01 trải lòng.

Vượt khó hoàn thành nhiệm vụ

Hải đội 2 có nhiệm vụ quản lý vùng biển Nghệ An với 82,5 km bờ biển, rộng 3.645 km2 cùng sáu cửa lạch và hai đảo: Mắt, Song Ngư. Là vùng biển có lưu lượng lớn tàu cá, tàu dịch vụ hoạt động; trong lúc điều kiện thời tiết trên biển rất phức tạp, khó lường, nhất là mùa mưa bão cuối năm luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho tàu thuyền và ngư dân khi hành nghề trên biển.

Những năm qua, tình hình thời tiết, khí hậu cả nước nói chung, khu vực vùng biển Nghệ An nói riêng diễn ra hết sức phức tạp, khó lường, nhất là bão, áp thấp nhiệt đới… vẫn luôn diễn ra, gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản. Riêng năm 2023, trên vùng biển Nghệ An đã xảy ra 45 vụ, làm chết 16 người, mất tích hai người, bị thương bảy người; chìm, cháy 16 phương tiện; hư hỏng 11 phương tiện…

Thượng tá, Chính trị viên Hải đội 2 Hồ Quốc Hải cho biết: Trước tình hình đó, đơn vị luôn xác định việc tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Ðơn vị đã rà soát, bổ sung các phương án, kế hoạch và triển khai các biện pháp cứu hộ, cứu nạn bảo đảm sát với thực tế.

Chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương ven biển; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tại chỗ tích cực tham gia ứng phó có hiệu quả các sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kịp thời, góp phần giảm thiệt hại của nhân dân.

Trong giai đoạn 2019-2024, đơn vị đã điều động 18 đợt với nhiều lượt tàu, xuồng cùng 180 cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu hộ, cứu nạn. Ðã cứu được 10 phương tiện, 90 ngư dân bị nạn trên biển; hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe ban đầu và đưa vào bờ an toàn.

Phối hợp chính quyền địa phương, chủ phương tiện thông báo, hướng dẫn và kêu gọi được hơn 350 lượt tàu thuyền, 2.000 thuyền viên vào bờ trú, tránh bão, áp thấp nhiệt đới bảo đảm an toàn. Ðơn vị đã trở thành điểm tựa vững chắc để ngư dân bám biển, vươn khơi, phát triển kinh tế. Hải đội 2 còn thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới vùng biển quốc gia, nhất là tuần tra kiểm soát chống khai thác hải sản bất hợp pháp IUU...

Tuy nhiên, theo chia sẻ của lãnh đạo Hải đội 2, là đơn vị chủ công trong công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển nhưng hải đội phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ðó là phạm vi hoạt động, quản lý vùng biển Nghệ An rộng, trong lúc phương tiện bảo đảm cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ phần lớn đã sử dụng lâu năm, khả năng chịu đựng sóng gió hạn chế nên công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Kế đến, luồng Cửa Hội cạn, cầu cảng của đơn vị bị bồi lấp nên hạn chế khả năng cơ động của phương tiện, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ...

Theo Ðại tá Hồ Quyết Thắng, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, thời gian tới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An chỉ đạo các đơn vị, cơ quan chuyên môn tiếp tục chủ động rà soát, xây dựng, bổ sung các phương án, kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa và công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn bảo đảm sát với tình hình thực tế địa bàn. Ðối với vùng biển, Bộ đội Biên phòng Nghệ An sẽ tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương, các ngành chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức phòng ngừa cho nhân dân khu vực vùng biển địa bàn đóng quân; tuyên truyền cho các chủ tàu, thuyền trưởng về việc chấp hành thông báo, kêu gọi, hướng dẫn di chuyển thoát khỏi khu vực nguy hiểm khi có bão, áp thấp nhiệt đới trên biển; bảo đảm đăng ký, đăng kiểm, trang thiết bị an toàn khi xuất bến. Duy trì nghiêm chế độ trực, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia xử lý các tình huống xảy ra...