Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là một trong ba nhiệm vụ đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Cụ thể hóa nhiệm vụ đột phá này, tháng 11/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án 08-ĐA/TU về tạo nguồn và phát triển cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035; tiếp đến là Đề án 12-ĐA/TU về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cho hệ thống chính trị của tỉnh trong 5 năm, 10 năm, 20 năm tới.
Môi trường rèn luyện để trưởng thành
Sau 13 năm công tác tại Trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi, tháng 3/2023, Phó Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật, Thạc sĩ Phạm Tấn Phước là một trong năm cán bộ trẻ được Tỉnh ủy Quảng Ngãi luân chuyển về giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Phú, thành phố Quảng Ngãi theo Đề án 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Khi về cơ sở, dù có những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu ở môi trường công tác mới, song đồng chí Phạm Tấn Phước nhanh chóng vượt qua, hòa mình cùng tập thể, luôn nêu cao trách nhiệm trước nhiều việc khó, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng bộ từ nhận thức đến hành động.
Đồng chí chia sẻ, trên cương vị mới, bản thân luôn xác định phải bám sát cơ sở, tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe ý kiến của đảng viên, nhân dân ở các thôn, các chi bộ. Qua đó không những đã giải quyết được nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với người dân mà còn giúp cán bộ trẻ rèn luyện và ngày càng trưởng thành hơn. Đơn cử, sau khi đối thoại, vấn đề bức xúc không có nước sạch sinh hoạt của hơn 300 hộ dân thôn Cổ Lũy Làng Cá từ nhiều năm qua đã được xã Nghĩa Phú kiến nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết, người dân nơi đây rất phấn khởi.
Với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương cùng quyết tâm cao, đoàn kết, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, năm 2023, kinh tế-xã hội của xã Nghĩa Phú từng bước phát triển vững chắc, thu nhập của người dân đạt 55 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 6 triệu đồng so với năm 2022. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch từ nông nghiệp, ngư nghiệp sang thương mại, dịch vụ, bảo đảm theo đúng định hướng của thành phố Quảng Ngãi trong việc xây dựng xã Nghĩa Phú trở thành phường vào năm 2025.
Ông Trần Sỹ, người dân xã Nghĩa Phú bày tỏ: "Sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Phú Phạm Tấn Phước đã thể hiện được bản lĩnh của cán bộ trẻ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở cơ sở, thúc đẩy địa phương phát triển bứt phá".
Trước khi được luân chuyển về giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Hành Thiện (huyện Nghĩa Hành), đồng chí Ngô Thị Kiều Diễm là Phó Chánh Văn phòng Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi. Về môi trường công tác mới, đồng chí xác định đây vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm, thử thách lớn lao, đòi hỏi phải nỗ lực phấn đấu tu dưỡng, học hỏi, rèn luyện để có thêm kinh nghiệm thực tế.
Với tinh thần cống hiến hết mình của tuổi trẻ, sau khi nhận nhiệm vụ, đồng chí bắt tay ngay vào công việc chấn chỉnh, đổi mới lề lối làm việc của chính quyền cấp xã, đồng thời dành nhiều thời gian sâu sát cơ sở, tìm hiểu nguyện vọng của người dân, lợi thế của địa phương; từ đó đề xuất, ban hành những chủ trương, quyết sách đúng đắn phù hợp với điều kiện thực tiễn, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Phát huy năng lực chuyên môn là Thạc sĩ nông học, đồng chí tận tình hướng dẫn, chia sẻ kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi cho người dân; đề xuất, định hướng xây dựng vùng quê Hành Thiện, với hơn 95% số dân là nông dân từng bước đổi phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, phối hợp với doanh nghiệp hình thành mô hình sản xuất lúa giống, tiến tới xây dựng thương hiệu lúa Hành Thiện; mô hình phát triển cây ăn quả, chăn nuôi.
Chỉ sau hơn một tháng về cơ sở công tác, đồng chí bàn bạc với cấp ủy thống nhất chủ trương thành lập Hợp tác xã nông nghiệp chăn nuôi cầy vòi hương Thiện Phát gồm 37 thành viên nhằm mục tiêu tạo ra chuỗi cung ứng con giống, sản xuất hàng hóa thịt cầy vòi hương cung cấp cho thị trường. Tranh thủ nguồn vốn một tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh, xã đã cho 14 hộ tham gia hợp tác xã vay xây dựng chuồng trại, mua con giống. Hướng đi mới này đã mở ra cơ hội đa dạng hóa vật nuôi tại địa phương, giúp nông dân có thêm thu nhập mỗi năm cả trăm triệu đồng.
"Thời gian công tác tại cơ sở chưa nhiều nhưng giúp cho bản thân có thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý giá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ xã. Năm 2023, dù được đánh giá xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng tôi nghĩ rằng phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực hơn nữa trong công việc, mới đáp ứng sự kỳ vọng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi và của nhân dân", đồng chí Ngô Thị Kiều Diễm thổ lộ.
Tạo "luồng gió mới" ở cơ sở
Theo đồng chí Lữ Ngọc Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi, thời gian qua, Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành nhiều nghị quyết, đề án, kết luận về công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Riêng đối với cán bộ trẻ, sau nhiều lần bàn bạc, chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án 12 và quy trình tạm thời đưa cán bộ trẻ công tác ở các cơ quan của tỉnh có quy hoạch chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý về công tác ở cấp xã để chuẩn bị đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý 5 năm, 10 năm và 20 năm sau.
Đến nay, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã đưa 7 cán bộ trẻ ở tỉnh về làm bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã (đợt 1 vào tháng 3/2023, đợt 2 vào tháng 1/2024). Đây là những cán bộ trẻ dưới 40 tuổi, được đào tạo bài bản, có nền tảng tốt, có tư duy khoa học, phẩm chất đạo đức tốt, được đánh giá cao về năng lực công tác, có tinh thần nhiệt huyết, cống hiến trong công việc, có khả năng vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
"Qua gần một năm công tác, năm cán bộ trẻ được luân chuyển đợt 1/2023 đã từng bước vượt qua thử thách, tạo được dấu ấn, có những ý tưởng, cách làm mới sáng tạo, bước đầu giúp chuyển động hệ thống chính quyền cơ sở, tạo luồng gió mới cho địa phương, xóa đi tư duy bảo thủ "sống lâu lên lão làng" và khắc phục chủ nghĩa làm việc theo kinh nghiệm, theo lối mòn của cán bộ cơ sở", đồng chí Lữ Ngọc Bình đánh giá.
Đồng chí Trương Quang Hà, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nghĩa Hành chia sẻ, những năm qua, công tác tạo nguồn và phát triển cán bộ trẻ, cán bộ nữ luôn được huyện quan tâm, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm. Huyện ủy đã ban hành Đề án 11, đặt mục tiêu những năm tới cán bộ trẻ dưới 40 tuổi đạt từ 15% trở lên, cán bộ nữ đạt 17% trở lên trong cấp ủy huyện. Để thực hiện tốt đề án này, năm 2023, huyện luân chuyển 5 cán bộ trẻ, cán bộ nữ là chuyên viên các phòng, ban của huyện về làm phó chủ tịch UBND xã, thị trấn. Việc bố trí công tác phù hợp giúp những cán bộ trẻ có cơ hội vươn lên khẳng định mình, đồng thời xóa dần định kiến về giới và những rào cản cản trở sự phát triển của cán bộ trẻ, cán bộ nữ.
Theo đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi, qua hơn hai năm triển khai thực hiện Đề án 08 cho thấy, chất lượng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ nữ, trẻ, người dân tộc thiểu số được các cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị, địa phương quan tâm chú trọng và có chuyển biến tích cực.
Để công tác tạo nguồn cán bộ nữ, trẻ, người dân tộc thiểu số đạt kết quả thiết thực, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, thời gian tới, Đảng bộ tỉnh, huyện và xã sẽ tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt đồng bộ và liên tục các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý mà Đề án 08 và Đề án 12 đề ra.
Trong đó, chú trọng việc tạo nguồn cán bộ nữ phải có tính khả thi, lộ trình và kết quả cụ thể; dự báo các yêu cầu lâu dài để xây dựng các phương án bố trí cán bộ phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, số lượng cán bộ nữ trong đội ngũ lãnh đạo, không để tình trạng bị động, bảo đảm sự chuyển tiếp vững vàng và chủ động giữa các thế hệ cán bộ nữ.
Đối với công tác tạo nguồn cán bộ trẻ, cần xem đây là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, lâu dài của các cấp ủy đảng và hệ thống chính trị, chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn, đào tạo và có chính sách cụ thể thu hút cán bộ trẻ. Kịp thời phát hiện những cán bộ trẻ có tài năng trong hoạt động công vụ, có thành tích nổi bật qua các hoạt động phong trào thi đua ở cơ sở, có chiều hướng phát triển để xem xét, lựa chọn đưa vào quy hoạch các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nhằm tạo nguồn cán bộ đa dạng, phong phú mang tính kế thừa, phát triển liên tục.
"Các cấp ủy phải mạnh dạn bố trí, sử dụng cán bộ trẻ; xây dựng môi trường công tác lành mạnh, thông thoáng để họ được rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành bằng chính phẩm chất, tài năng của mình, yên tâm và tuyệt đối tin tưởng vào tổ chức; đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ trẻ để thử thách, rèn luyện, làm tiền đề đánh giá, chọn lọc, xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ kế cận bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm", đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh.