Qua đó, phong trào chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh ngày càng lan tỏa, đạt được kết quả thực chất hơn về sự phát triển kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi Trần Thanh Trường, với mục tiêu thực hiện chuyển đổi số đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh, từng bước hình thành, phát triển môi trường số an toàn, tiện ích phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, tỉnh Quảng Ngãi không tập trung đi vào đầu tư các dự án mà tổ chức triển khai toàn diện các chỉ số, xây dựng thể chế số một cách toàn diện.
Theo đó, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, nền tảng số là đột phá, bảo đảm an toàn thông tin mạng là then chốt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công trong chuyển đổi số.
Bên cạnh sự quyết liệt, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong công tác chuyển đổi số, tỉnh còn tập trung xây dựng, đưa các kênh truyền thông về xã, phường nhằm từng bước thay đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động để người dân hiểu, tham gia vào công tác chuyển đổi số phục vụ đời sống.
Ðến thời điểm này, 100% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện và xã trong tỉnh triển khai sử dụng phần mềm quản lý văn bản điện tử và điều hành dùng chung theo mô hình tập trung, liên thông bốn cấp và sử dụng chữ ký số để trao đổi văn bản điện tử. Tỉnh Quảng Ngãi chính thức kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an, qua đó công dân có thể sử dụng tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia VNPOST hoặc VNeID để đăng nhập thực hiện các thủ tục hành chính; thành lập 1.141 tổ công nghệ số cộng đồng đến cấp thôn, tổ dân phố với sự tham gia của hơn 7.512 thành viên. Ðồng thời, đưa vào vận hành Trung tâm IOC tỉnh, hướng tới điều hành với mục tiêu là hệ thống nền tảng cốt lõi quan trọng, xây dựng trên nền tảng tiên tiến, kiểu mẫu, góp phần nâng cao công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Nhờ vậy, năm 2022, Quảng Ngãi là địa phương có chỉ số chuyển đổi số (DTI) tăng bậc cao nhất cả nước, xếp vị trí 26 trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 34 bậc so với năm 2021. Cụ thể, trong ba trụ cột DTI cấp tỉnh, gồm chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, Quảng Ngãi xếp thứ 17 về chính quyền số và kinh tế số, đứng thứ 15 về xã hội số.
Ngành giáo dục và đào tạo là điểm sáng trong phong trào chuyển đổi số ở Quảng Ngãi, được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá là một trong những mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả trên toàn quốc trong công tác đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số.
Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Ngọc Thái cho biết, công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin của ngành có nhiều chuyển biến tích cực. Các đơn vị, cơ sở giáo dục đã thực hiện xác thực hồ sơ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh giữa cơ sở dữ liệu về giáo dục và đào tạo với cơ sở dữ liệu về dân cư.
Cụ thể, hồ sơ học sinh đạt gần 99%; hồ sơ cán bộ, giáo viên, nhân viên bậc trung học phổ thông đạt gần 100%, trung học cơ sở hơn 90%; tiểu học 87%; mầm non và giáo dục thường xuyên gần 88%. Các trường còn sáng tạo triển khai hình thức dạy học trực tuyến; dạy học trực tuyến kết hợp dạy học trực tiếp trên hệ thống đào tạo trực tuyến; sử dụng có hiệu quả phần mềm quản trị trường học, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử và triển khai thu phí dịch vụ giáo dục theo hình thức không dùng tiền mặt ở tất cả các đơn vị, cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh.
"Chuyển đổi số tạo ra những thay đổi tích cực trong ngành giáo dục, tạo nên một hệ thống liên thông, chặt chẽ từ giảng dạy, học tập đến công tác quản lý của các trường. Chuyển đổi số cũng giúp học sinh dễ dàng tìm kiếm, nghiên cứu dựa trên kho tài liệu số không giới hạn về khả năng truy cập. Ðiều này, không chỉ nâng cao hiệu quả chia sẻ thông tin, tài liệu mà còn là giải pháp giúp học sinh, giáo viên tiết kiệm thời gian, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy và học", ông Nguyễn Ngọc Thái đánh giá.
Theo đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm tạo bước đột phá về phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền trung và đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.
Cùng với việc đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu cụ thể để thực hiện chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả, thực chất, bền vững trên tất cả các lĩnh vực, Nghị quyết xác định bảy lĩnh vực trực tiếp phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, lĩnh vực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, phát huy tiềm năng, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh cần ưu tiên thực hiện trong những năm tới, gồm: lĩnh vực nông nghiệp; giáo dục; y tế; tài nguyên và môi trường; du lịch; giao thông vận tải, logistics; an ninh, an toàn xã hội.