Quảng Ngãi có 61 viên chức y tế thôi việc, bỏ việc

NDO - Ngày 21/7, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi Phạm Minh Đức cho biết, từ năm 2020 đến cuối tháng 6 năm 2022, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 61 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng.
0:00 / 0:00
0:00
6 tháng đầu năm 2022, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi là cơ sở y tế công lập có số bác sĩ thôi việc nhiều nhất tỉnh, với 4 bác sĩ.
6 tháng đầu năm 2022, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi là cơ sở y tế công lập có số bác sĩ thôi việc nhiều nhất tỉnh, với 4 bác sĩ.

Cụ thể, năm 2020 là 31 người; năm 2021 là 17 người; 6 tháng đầu năm 2022 là 13 người, trong đó có 10 bác sĩ (7 bác sĩ đa khoa, 3 bác sĩ y học dự phòng), 2 điều dưỡng và 1 y sĩ công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Quảng Ngãi, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi, Trung tâm y tế huyện Tư Nghĩa, Trung tâm y tế thành phố Quảng Ngãi, Trung tâm y tế huyện Sơn Tịnh, Trung tâm y tế huyện Bình Sơn và Trung tâm y tế huyện Trà Bồng xin thôi việc, bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng, với các lý do cá nhân, đoàn tụ gia đình, chuyển sang làm việc tại cơ sở y tế tư nhân.

Điều đáng lo ngại, cả năm 2021 chỉ có 7 bác sĩ thôi việc thì trong vòng 6 tháng đầu năm 2022, số bác sĩ thôi việc lại gia tăng, với 10 bác sĩ, trong đó nhiều nhất là Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi có 4 bác sĩ.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi Phạm Minh Đức, nguyên nhân viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng là do tiền lương, phụ cấp trả cho cán bộ, nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ tại các cơ sở y tế công lập thấp hơn nhiều lần so với cơ sở y tế tư nhân. Chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với sinh viên ngành y, dược hiện nay rất cao, trong khi mức lương trả cho viên chức y tế (đặc biệt là bác sĩ) sau khi tốt nghiệp ra trường tại đa số cơ sở y tế công lập còn quá thấp, nên dẫn đến rất khó thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngoài ra, môi trường làm việc, nhất là công tác phòng, chống dịch Covid-19 gây áp lực lớn cho cán bộ, nhân viên y tế dễ gây căng thẳng, mệt mỏi, giảm động lực làm việc. Đồng thời, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số lượng bệnh nhân tại các cơ sở khám, chữa bệnh giảm mạnh, trong khi đó, ngoài tiền lương, viên chức y tế không có khoản thu nhập tăng thêm.

Trước thực tế trên, Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ Y tế cần đẩy mạnh tiến trình cải cách tiền lương, tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế công lập, đây là một trong những giải pháp cốt lõi, bền vững để giữ chân cán bộ, nhân viên y tế, thu hút nhân lực trình độ cao tại các cơ sở y tế công lập, giảm chuyển dịch nhân lực sang cơ sở y tế ngoài công lập, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Ban hành cơ chế, chính sách chính sách thu hút, ưu đãi, khuyến khích, giữ chân... dành riêng cho cán bộ y tế, nhất là đối với bác sĩ; đề xuất sửa đổi Nghị định 140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 của Chính phủ, vì điều kiện, tiêu chuẩn thu hút nhân lực theo nghị định này rất cao, trong khi số lượng sinh viên y khoa tốt nghiệp đại học loại xuất sắc rất ít, hầu như không thể thu hút được.

Khi xây dựng cơ chế tiền lương cho ngành y tế cần phải lượng hóa được các yếu tố đặc thù ngành (thời gian cần được đào tạo, bồi dưỡng để hành nghề nhiều hơn so với các ngành khác, áp lực công việc cao, môi trường làm việc độc hại, nguy hiểm,…) để xây dựng phù hợp với đặc thù ngành.