Quảng Ngãi cần phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững

NDO -

Sáng 23/12, Đoàn công tác của Trung ương do đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021, nhiệm vụ chủ yếu năm 2022; tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Tham dự buổi làm việc có đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi.

Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, năm 2021, tuy bị ảnh hưởng, tác động lớn bởi dịch Covid-19 nhưng kinh tế-xã hội của tỉnh đạt được một số kết quả nhất định. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,5%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14%; nông, lâm nghiệp, thủy sản nghiệp tăng 3,2%; kim ngạch xuất khẩu tăng 19,3%... Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, linh hoạt, kịp thời, phù hợp diễn biến dịch bệnh trong từng thời điểm đạt hiệu quả.

Năm 2022, để đạt tốc độ tăng trưởng từ 5-6%, tỉnh Quảng Ngãi tập trung khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh. Tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trong đó chú trọng quan tâm đến các dư án công nghiệp lớn. Tập trung phát triển đô thị, du lịch. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh…

Quảng Ngãi cần phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững -0
Gia đình nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tặng 500 triệu đồng xây dựng 10 ngôi nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách ở Quảng Ngãi. 

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành Chương trình hành động số 39, Hội đồng nhân dân tỉnh cụ thể hóa, thể chế hóa với 12 Nghị quyết chuyên đề, UBND tỉnh ban hành 25 quyết định… Nhờ vậy, công tác quản lý Nhà nước về đất đai đi vào nề nếp; quyền của người sử dụng đất được mở rộng và được Nhà nước bảo đảm; công tác thanh, kiểm tra quản lý, sử dụng đất được tăng cường; thủ tục hành chính ngày càng được cải thiện…. đã góp phần quan trọng trong việc phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Quá trình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW nảy sinh nhiều bất cập, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Trung ương xem xét, điều chỉnh, bổ dung nhiều nội dung để chính sách, pháp luật đất đai phù hợp với tình hình thực tế.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh ghi nhận và chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội mà tỉnh Quảng Ngãi đạt được trong năm 2021.

“Trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh, nhưng Quảng Ngãi thực hiện đạt 16/24 chỉ tiêu, tăng trưởng kinh tế 6,5% là mức khá cao so với bình quân chung cả nước. Đây là một kết quả rất đáng biểu dương” đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh và lưu ý tỉnh Quảng Ngãi cần phân tích những khó khăn, bất cập, hạn chế, kể cả những nguyên nhân chủ quan để rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó đưa ra những định hướng phát triển phù hợp với thực tiễn địa phương.

Đồng chí cho rằng, việc cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi phải tính đến điều kiện đặc thù của địa phương với liên kết vùng và cả quốc gia. Đây là vấn đề quan trọng để Quảng Ngãi phát huy tốt tiềm năng, lợi thế phát triển bền vững, khẳng định vai trò vị thế của mình trong Vùng kinh tế trọng điểm miền trung.

Bên cạnh đó, cần tập trung quyết liệt lập quy hoạch phát triển của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trong quy hoạch, phải giải quyết tốt hơn nữa giữa phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, bởi Quảng Ngãi có các cơ sở công nghiệp quan trọng như năng lượng, sắt thép. Song song với phát triển các vùng kinh tế động lực phải có chính sách ưu tiên phát triển khu vực miền núi, giảm dần khoảng cách với các vùng; gắn phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội và quốc phòng-an ninh.

Đồng thời, tập trung nghiên cứu để có được những cơ chế chính sách trong khuôn khổ của pháp luật, khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh phát triển cao hơn; chú trọng tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới.

Đồng chí đề nghị tỉnh Quảng Ngãi nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua cải cách hành chính và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhằm thu hút các tập đoàn, nhà đầu tư lớn với những dự án mang tính lan tỏa cũng như các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tạo nguồn lực phát triển địa phương; quan tâm giải quyết kịp thời chế độ, chính sách cho người có công và các đối tượng xã hội.

Dịp này, gia đình nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã trao tặng 500 triệu đồng để xây dựng 10 ngôi nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách ở Quảng Ngãi.