Chiếm đất xây dựng nhà xưởng
Sau gần ba tuần thi công, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tứ Hưng (Công ty Tứ Hưng), có trụ sở tại quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng cơ bản hoàn thành nhà xưởng tại phường Trương Quang Trọng, thành phố Quảng Ngãi. Trên diện tích 1.000m2, nhà xưởng xây dựng bằng thép xà gồ lắp ráp với 20 trụ chính bằng thép lắp ghép, 4 trụ phụ, tường xây gạch cao 2m, nhà bảo vệ cùng nhiều hạng mục phụ trợ khác.
Công trình nhà xưởng thép tiền chế gần hoàn tất nhưng không có bất cứ giấy tờ, hồ sơ pháp lý nào theo quy định của pháp luật. Đại diện Công ty Tứ Hưng cho biết, đơn vị mua bán tài sản gắn liền với đất trên diện tích 1.000m2 của Công ty Cổ phần Du lịch Quảng Ngãi được thế chấp tại ngân hàng. Sau khi ký hợp đồng mua bán, Công ty Tứ Hưng phá bỏ công trình cũ và lắp ráp nhà xưởng mới để làm kho bãi chứa thép, vật liệu xây dựng.
Kiểm tra sai phạm ban đầu, ngành chức năng và chính quyền địa phương nhận thấy, hợp đồng mua bán chưa đúng quy định của pháp luật, chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý, chưa được cấp phép xây dựng nhưng đơn vị này đã tự ý thi công công trình, lấn chiếm đất của tổ chức là vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, trong quá trình thi công, công ty lấn chiếm hành lang an toàn giao thông Quốc lộ 1A với diện tích khoảng 162,5m2, lấn chiếm đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm với diện tích khoảng 197,5m2. “Tôi có chủ quan, cứ nghĩ xây dựng nhà xưởng và xin giấy phép sau cũng được. Giờ phải dừng thôi”, ông Nguyễn Đình Tứ, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tứ Hưng giải thích.
Chính quyền địa phương đã kiểm tra, lập biên bản yêu cầu doanh nghiệp dừng thi công và phối hợp ngành chức năng xử lý sai phạm. “Trước đó chúng tôi có nhắc nhở, yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục theo quy định rồi mới thi công nhưng họ vẫn làm. Giờ phải dừng ngay và xử lý vi phạm”, ông Tôn Hoài Vũ - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Trương Quang Trọng, thành phố Quảng Ngãi khẳng định.
Cần “mạnh tay” với vi phạm pháp luật trong trật tự xây dựng
Bốn tháng sau khi phát hiện xây dựng “biệt thự” trái phép và bị xử lý vi phạm, đến nay ông Nguyễn Hồng Sơn ở phường Chánh Lộ, thành phố Quảng Ngãi vẫn chưa tháo dỡ công trình theo yêu cầu của ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi.
Trước đó vào tháng 11/2022, chính quyền địa phương phát hiện bên cạnh khu nhà ở gia đình, ông Sơn nối tiếp công trình “biệt thự” đồ sộ trên diện tích 620m2 đất lúa. Khối nhà kiên cố 8 mái, 5 gian cao 9m, xây dựng bằng bê tông cùng 240m3 gỗ và nhiều hạng mục khác xây dựng trái phép trên đất lúa. Cùng với việc xử phạt 75 triệu đồng, cơ quan chức năng yêu cầu ông Sơn tháo dỡ trong thời gian 60 ngày để hoàn trả đất nguyên trạng ban đầu. Thế nhưng đã bốn tháng trôi qua việc tháo dỡ, hoàn trả hiện trạng vẫn chưa xong.
Những năm gần đây, thành phố Quảng Ngãi là nơi tập trung nhiều dự án xây dựng các khu dân cư, đầu tư hạ tầng đô thị nên việc quản lý đô thị, trật tự xây dựng khó khăn. Chính quyền địa phương cơ sở triển khai nhiều biện pháp lập lại trật tự đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn.
Năm 2022, thành phố Quảng Ngãi tăng cường, giám sát công tác xây dựng, đất đai. Ngành chức năng kiểm tra 644 giấy phép đã khởi công xây dựng công trình. Qua kiểm tra, phát hiện gần 10 trường hợp vi phạm quy định về trật tự xây dựng và đất đai; ban hành 7 quyết định xử phạt vi phạm với tổng số tiền gần 500 triệu đồng. Đồng thời, phát hiện và xử lý hơn 220 trường hợp xây dựng và sử dụng đất sai quy định, xử lý 190 trường hợp vi phạm.
“Biệt thự” trái phép và bị xử lý vi phạm đến nay chủ công trình này vẫn chưa hoàn thành việc tháo dỡ theo yêu cầu của ngành chức năng. |
Kiên quyết với xây dựng trái phép quy mô lớn, các cơ quan quản lý của thành phố Quảng Ngãi xử lý 12 quyết định xử lý vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Quảng Ngãi đã có hiệu lực pháp luật thi hành.
Bên cạnh những biện pháp hiệu quả, một số nơi chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng trên địa bàn dẫn đến nhiều trường hợp vi phạm xây dựng không phép, sai phép. Cùng với đó, công tác phối hợp kiểm tra trật tự xây dựng giữa các đơn vị trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi chưa đạt hiệu quả, công tác quản lý đất đai tại địa phương chưa chặt chẽ, xử lý lấn chiếm đất công như đất dự án đã thu hồi, đất thừa trong vùng dự án, hành lang đường bộ… chưa kịp thời dẫn đến nhiều trường hợp vi phạm lấn chiếm đất công không ngăn chặn, xử lý từ đầu.
“Qua một số vụ việc tôi thấy tâm lý chủ quan, cứ xây trái phép trước rồi hợp thức hóa giấy tờ, sang nhượng cho tổ chức, doanh nghiệp khác. Cần phải xử lý cương quyết cái này”, ông T.Đ.T ở phường Trần Phú, thành phố Quảng Ngãi bày tỏ.
Để ngăn chặn tình trạng công trình không phép, sai phép quy mô lớn; xây dựng trái phép; hợp thức hóa đất nông nghiệp thành đất ở và sang nhượng trái phép gây thất thoát ngân sách nhà nước, thành phố Quảng Ngãi tập trung tăng cường giám sát quản lý trật tự đô thị trong lĩnh vực đất đai, xây dựng; giám sát toàn diện 100% công trình xây dựng; kiên quyết xử lý khi vi phạm xây dựng.
“Chúng tôi yêu cầu tăng cường trách nhiệm quản lý địa bàn cơ sở, vai trò của chính quyền địa phương phải cao hơn. Ưu tiên tập trung giám sát địa bàn để phát hiện, xử lý ngay từ đầu chứ để sai phạm rồi mới ngăn chặn”, ông Nguyễn Lâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Quảng Ngãi khẳng định.
“Về quản lý nhà nước, Sở Xây Dựng đã tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh các quy chế phối hợp trong quản lý trật tự xây dựng giữa thanh tra sở và các huyện, thành phố, đơn vị trực thuộc. Đồng thời, phân cấp trách nhiệm và trách nhiệm phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh. Cơ quan nào cấp phép thì kiểm tra, giám sát; khi xảy ra sai phạm về xây dựng không phép, sai phép thì địa phương chịu trách nhiệm”, bà Đào Thị Lệ Thắm, Chánh thanh tra sở Xây Dựng Quảng Ngãi khẳng định.