Quảng Ngãi cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn, giữ vững ổn định tăng trưởng kinh tế

NDO - Chiều 12/5, Đoàn công tác của Chính phủ do đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nội vụ dẫn đầu, đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Ngãi về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại buổi làm việc.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại buổi làm việc.

Báo cáo với Đoàn công tác, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, ngay từ đầu năm 2023, tỉnh đã quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ; Kết luận của Tỉnh ủy, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; kịp thời giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp để huy động tối đa nguồn lực thúc đẩy phát triển.

Quảng Ngãi cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn, giữ vững ổn định tăng trưởng kinh tế ảnh 1

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh phát biểu tại buổi làm việc.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tỉnh vẫn giữ được sự ổn định và duy trì tốc độ phát triển kinh tế theo chỉ tiêu đã đặt ra trong năm 2023, như: thu ngân sách đạt khá; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định; tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/4 đạt 21,3% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn mức bình quân chung của cả nước; đã bàn giao mặt bằng để thi công dự án đường cao tốc bắc-nam phía đông, giai đoạn 2021-2025 đoạn qua Quảng Ngãi được 50,89/60,3km, đạt 84,4%, bảo đảm bàn giao 100% mặt bằng trước ngày 30/6; lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến, đã tổ chức nhiều sự kiện phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân cũng như thúc đẩy phát triển du lịch.

Các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả công tác an sinh xã hội, chăm lo cho hộ nghèo, các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với cách mạng; quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Đặc biệt, năm 2022, kết quả 3 chỉ số PCI, PAR INDEX và PAPI của tỉnh đều có sự thăng hạng đáng kể. Cụ thể, PCI xếp hạng 33/63 tỉnh, thành phố (tăng 12 bậc so với năm 2021); PAR INDEX xếp hạng 27/63 tỉnh, thành phố (tăng 12 bậc so với năm 2021); PAPI xếp hạng 23/63 tỉnh, thành phố (tăng 20 bậc so với năm 2021).

Bên cạnh đó, tỉnh cũng gặp một số khó khăn như: Ngành công nghiệp của tỉnh còn phụ thuộc nhiều vào lọc hóa dầu và thép, sản lượng thép giảm mạnh nên chỉ số sản xuất công nghiệp giảm; một số doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn nên phải thu hẹp quy mô sản xuất; kim ngạch xuất nhập khẩu giảm.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn Quảng Ngãi, đồng chí Đặng Văn Minh kiến nghị với Đoàn công tác về vấn đề quy hoạch tỉnh; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch trung hạn nguồn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025,về bố trí quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội chưa phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, nhu cầu nhà ở của người dân tại địa phương...

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Nội vụ ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Quảng Ngãi trong 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20. Đặc biệt, kinh tế của tỉnh đã có những bước tiến vượt bậc trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn tác động của đại dịch Covid-19, bảo đảm an toàn cho người dân. Quảng Ngãi là điểm sáng trong việc giải ngân vốn đầu tư công và bàn giao mặt bằng công trình trọng điểm quốc gia dự án đường cao tốc bắc-nam.

Đồng chí cho rằng, dư địa, nguồn lực để Quảng Ngãi phát triển còn rất lớn. Do vậy, tỉnh cần đánh giá toàn diện lại kết quả nửa nhiệm kỳ qua, đề ra các giải pháp căn cơ cho nửa nhiệm kỳ còn lại. Trong đó, quan tâm đến cải cách hành chính, chuyển đổi số, thu hút phát triển các lĩnh vực có tiềm năng lợi thế làm động lực cho phát triển kinh tế gắn với phát triển xanh, bền vững.

Trước mắt, tỉnh cần nhận diện thực tế tình hình phát triển kinh tế-xã hội quý I/2023, từ đó, có giải pháp xây dựng phát triển trong tình hình mới, có hướng tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất kinh doanh, giữ vững ổn định tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, cần có bước đột phát phát triển vùng miền núi, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào khu vực công, quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới.