Quảng Ngãi biến khó khăn thành lợi thế

Từ một tỉnh nghèo, xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế nhỏ, ngân sách phụ thuộc vào hỗ trợ của Trung ương, với sự năng động, sáng tạo và khát vọng vượt khó đi lên, Quảng Ngãi vươn mình trở thành địa phương đứng ở vị trí khá so với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Diện mạo công nghiệp hiện đại trên vùng đất cát trắng Khu kinh tế Dung Quất.
Diện mạo công nghiệp hiện đại trên vùng đất cát trắng Khu kinh tế Dung Quất.

Đổi thay trên vùng cát trắng

Nói đến khu đông huyện Bình Sơn, trong tâm trí mỗi người dân Quảng Ngãi không thể nào quên vùng đất đầy cát trắng và nắng gió.

Từ trong gian khó, bằng ý chí, nghị lực, khát vọng vươn lên, nhất là sự hy sinh của người dân sẵn sàng nhường nhà cửa, đất đai, vườn tược cho hàng loạt dự án công nghiệp mang tầm vóc quốc gia, vùng đất nghèo khó đã mang diện mạo tươi mới, hiện đại và đầy sức sống.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất, trái tim của Khu kinh tế Dung Quất đi vào hoạt động, đã tạo ra sức hấp dẫn mới thu hút hàng loạt nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tìm đến đầu tư, khai thác tốt nhất lợi thế cảng nước sâu Dung Quất để phát triển ngành công nghiệp nặng.

Đơn cử, khu phức hợp công nghệ cao của Doosan Vina, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, công suất thiết kế 4 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 60 nghìn tỷ đồng.

Theo Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi Hà Hoàng Việt Phương, sau hơn 26 năm hình thành, Khu kinh tế Dung Quất trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp, hạt nhân tăng trưởng, động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ngãi.

Đến thời điểm này đã có 249 dự án đi vào hoạt động với nguồn vốn thực hiện khoảng 9,7 tỷ USD (vốn thực hiện các dự án FDI là 1,2 tỷ USD), giải quyết việc làm cho hơn 69 nghìn lao động, trong đó phần đông là con em sinh ra trên mảnh đất Bình Sơn.

Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 257 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước đạt 26,6 nghìn tỷ đồng.

"So với 11 khu kinh tế, khu công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm miền trung, Khu kinh tế Dung Quất đang dẫn đầu cả về sản xuất công nghiệp, nộp ngân sách, xuất nhập khẩu và giải quyết việc làm. Điều đó chứng tỏ vai trò, tầm quan trọng của Khu kinh tế Dung Quất trong việc đóng góp cho Quảng Ngãi cũng như cả khu vực", đồng chí Hà Hoàng Việt Phương nhấn mạnh.

Không chỉ Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi còn có Khu công nghiệp dịch vụ-đô thị VSIP, Khu công nghiệp Tịnh Phong, Quảng Phú đang hoạt động hiệu quả, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 đạt hơn 129 nghìn tỷ đồng, đứng thứ hai trong 14 tỉnh, thành phố khu vực miền trung.

Kinh tế tăng trưởng cao giúp thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có số thu ngân sách cao nhất cả nước.

Giai đoạn 2021-2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 57.474 tỷ đồng, bằng 52,8% so với mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Hiện thực hóa khát vọng

Không tự bằng lòng với những kết quả đạt được, Quảng Ngãi đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá của miền trung; tạo tiền đề đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước.

Đến năm 2045, công nghiệp tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng, đưa Quảng Ngãi trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh luôn bám sát những định hướng lớn của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 để cụ thể hóa bằng những giải pháp thiết thực trong tất cả các lĩnh vực, tập trung khắc phục, tháo gỡ rào cản, vướng mắc, tận dụng tối đa mọi cơ hội tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững.

Trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ngãi định hình không gian, tầm nhìn phát triển thể hiện qua cấu trúc 4 hành lang kinh tế chiến lược, 5 vùng liên huyện kết nối, 6 không gian kinh tế động lực.

Đây được xem là cấu trúc của sự phát triển cân bằng, liên kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực duyên hải, trung du, miền núi và hải đảo của tỉnh.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045 trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển năng động, với nền kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực quan trọng của quốc gia; lấy cảnh quan đô thị biển làm sức hấp dẫn, lấy nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển để đẩy mạnh kinh tế biển, hướng đến sự thịnh vượng.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tỉnh Quảng Ngãi có hai đề án lớn cần thực hiện thời gian tới gồm: Phát triển huyện đảo Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển, đảo; mở rộng và xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất...

Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: Nghị quyết 26-NQ/TW là cơ hội tốt để tạo động lực mới cho Quảng Ngãi phát triển trong giai đoạn tới.

Đối với Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh đã có kế hoạch đầu tư đồng bộ về hạ tầng và các điều kiện khác để tạo tính kết nối, thuận lợi cho phát triển.

Quảng Ngãi có đủ điều kiện, tiền đề để xây dựng Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất với hạt nhân là Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng như các ngành công nghiệp khác đang thực hiện trên địa bàn.

Chặng đường phía trước mở ra cho Quảng Ngãi nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng đan xen không ít khó khăn, thách thức.

Song, với khát vọng hành động, khát vọng vươn lên, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân trong tỉnh quyết tâm biến không thành có, biến khó thành dễ, chung sức đồng lòng xây dựng Quảng Ngãi phát triển hài hòa, bền vững.