Theo đó, thời gian tiêm chủng được triển khai từng đợt theo tiến độ cung ứng vaccine thực tế và theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế.
Ước tính, số lượng đối tượng tiêm chủng trên địa bàn tỉnh là 143.501 trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Mỗi trẻ em được tiêm 2 liều cơ bản và tiêm cùng loại vaccine được Bộ Y tế phê duyệt.
Việc tiêm chủng được tổ chức tại các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở tất cả các tuyến (điểm tiêm chủng cố định, điểm tiêm chủng lưu động và tại trường học). Trong đó, lưu ý kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm phân luồng 1 chiều đối với trẻ em đến tiêm, từ khâu tiếp đón đến cấp giấy xác nhận, kể cả đối với trẻ hoãn tiêm hoặc chống chỉ định.
Cơ sở tiêm chủng bố trí tiêm chủng theo khung giờ, chia thành nhiều bàn, điểm tiêm chủng bảo đảm giãn cách phòng, chống dịch; phải sử dụng tối đa công nghệ thông tin trong tiêm chủng, bố trí cán bộ hỗ trợ sử dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai tiêm chủng. Đồng thời, chủ động giám sát trước, trong, sau khi thực hiện tiêm chủng, nhằm phát hiện sớm sự cố bất lợi sau tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và của Sở Y tế.
Để bảo đảm tối đa an toàn tiêm chủng, các cơ sở tiêm chủng thực hiện sàng lọc cho trẻ đầy đủ trước khi tiêm chủng, kịp thời phát hiện những trường hợp chống chỉ định hoặc tạm hoãn, chủ động phân loại các đối tượng cần phải bố trí tiêm tại các cơ sở điều trị.
Tư vấn cho phụ huynh, người giám hộ, người chăm sóc về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vaccine và giải thích những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng; thông báo về hiệu quả, liều lượng của loại vaccine phòng Covid-19 được tiêm chủng; tư vấn các thông tin về theo dõi sau tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Phụ huynh/người giám hộ/người chăm sóc thực hiện ký “Phiếu đồng ý tiêm chủng vaccine phòng Covid-19” (nếu đồng ý cho trẻ tiêm chủng).
Mỗi điểm tiêm bố trí cấp cứu ngay tại điểm tiêm với nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, thuốc, oxy, dịch truyền... bảo đảm tiếp nhận nhanh nhất, xử lý tốt nhất các trường hợp phản vệ sau tiêm vaccine; kết nối đường truyền trực tuyến với chuyên gia của Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh để được hướng dẫn hỗ trợ xử lý tại chỗ (nếu cần) hoặc chuyển tuyến về Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh (nếu có chỉ định).
Luôn sẵn sàng đầy hộp chống sốc còn hạn sử dụng và chuẩn bị sẵn 1 bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin 1mg/ml để dùng trong buổi tiêm (kết thúc buổi tiêm chủng nếu không sử dụng đến cần phải hủy bỏ) theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Bệnh viện tuyến tỉnh, huyện tổ chức các đội cấp cứu tại đơn vị mình và hỗ trợ cho các điểm tiêm chủng; đồng thời, tổ chức ít nhất 1 đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ các tình huống khẩn cấp tại các địa bàn phụ trách.
Trong thời gian triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh phải dự phòng một số giường bệnh hồi sức tích cực nhất định (tối thiểu 5 giường) để sẵn sàng xử trí trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng (nếu có).