Quảng Nam thích ứng linh hoạt, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững

Năm 2022 là năm quan trọng, tạo nền tảng thực hiện mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025. Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, tỉnh Quảng Nam đang tích cực triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm phục hồi nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh đã đề ra. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Quảng Nam về vấn đề này.

Đồng chí Phan Việt Cường (phải) khảo sát các công trình xây dựng tại huyện miền núi Tây Giang. (Ảnh: Tấn Nguyên)
Đồng chí Phan Việt Cường (phải) khảo sát các công trình xây dựng tại huyện miền núi Tây Giang. (Ảnh: Tấn Nguyên)

Phóng viên: Thưa đồng chí, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Tỉnh ủy Quảng Nam xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là gì để thích ứng linh hoạt, thúc đẩy tăng trưởng, nhất là đối với ngành kinh tế mũi nhọn du lịch, dịch vụ?

Ðồng chí Phan Việt Cường: Nhận định rõ sự tác động tiêu cực của dịch Covid-19 sẽ là khó khăn, thách thức rất lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ - ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; trong chủ đề công tác năm 2022, Tỉnh ủy Quảng Nam xác định "Kiện toàn hệ thống chính trị vững mạnh, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội". Tỉnh đề ra nhiều giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện nhằm đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi nhanh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, thích ứng an toàn, linh hoạt với trạng thái "bình thường mới"; bảo đảm đạt mục tiêu đề ra trong năm 2022, tạo nền tảng và động lực thực hiện thắng lợi mục tiêu của cả nhiệm kỳ 2020-2025.

Trước hết, tỉnh tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn năm 2022-2023. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm, sự tham gia của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong phòng, chống dịch và khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện; đẩy mạnh phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát và phát huy tính tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống dịch.

Quảng Nam đã khẩn trương cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 24-KL/TW, ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phục hồi sản xuất, kinh doanh và tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp chủ động, linh hoạt, sáng tạo chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp. Tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh, phát triển các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Quảng Nam thích ứng linh hoạt, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững -0
Du khách trở lại thăm Hội An sau hai năm đóng cửa do đại dịch. 

Tỉnh tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song song ngành công nghiệp và dịch vụ, lấy phát triển dịch vụ-du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 4/5/2021 của Tỉnh ủy về định hướng phát triển vùng đông nam của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu xây dựng vùng đông nam của tỉnh trở thành chuỗi đô thị-trung tâm dịch vụ, du lịch-công nghiệp sạch-nông nghiệp công nghệ cao; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử; phục hồi hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ðưa ngành công nghiệp trở thành động lực, tạo đột phá tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục phát triển Khu phức hợp ô-tô Chu Lai-Trường Hải theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, tạo sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ, tiến đến hình thành Trung tâm cơ khí đa dụng và ô-tô quốc gia, làm động lực lan tỏa cho cả Vùng kinh tế trọng điểm miền trung.

Ðể du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Quảng Nam sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thương mại, du lịch theo Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy. Phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng "Du lịch xanh-Du lịch an toàn", tạo nét độc đáo, khác biệt, khai thác tốt lợi thế của du lịch Quảng Nam, đáp ứng nhu cầu thay đổi đa dạng của thị trường. Ðẩy nhanh tiến độ triển khai một số dự án lớn để tạo sản phẩm phục vụ du lịch, như Khu du lịch sinh thái Cổng trời Ðông Giang, Tổ hợp khách sạn và nhà ở CYAN, Dự án khu resort & Spa Marriott Hội An-Việt Nam. Nghiên cứu khai thác loại hình du lịch tàu biển Chu Lai, Kỳ Hà, du lịch ven biển. Tổ chức thành công chuỗi các hoạt động, sự kiện theo chủ đề Năm Du lịch quốc gia 2022 "Quảng Nam-Ðiểm đến du lịch xanh". Thúc đẩy chương trình liên kết hành động bốn địa phương: Quảng Nam, Ðà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình; liên kết giữa thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền trung (Bình Ðịnh, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Ðà Nẵng, Thừa Thiên Huế) để thực hiện lộ trình mở cửa đón khách, khôi phục và phát triển du lịch.

Phóng viên: Một nhiệm vụ đột phá, chiến lược của tỉnh giai đoạn 2021-2025 là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, kết nối vùng và phát triển đô thị. Những kết quả nổi bật thời gian qua và tỉnh tiếp tục triển khai ra sao để tạo động lực phát triển nhanh, bền vững, thưa đồng chí?

Ðồng chí Phan Việt Cường: Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được đầu tư và có bước phát triển khá toàn diện, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông. Nhiều công trình lớn, trọng điểm trên tất cả các lĩnh vực được đầu tư xây dựng; một số công trình xây dựng hoàn thành đã tạo ra diện mạo mới cho Quảng Nam và có sức lan tỏa lớn như đường Võ Chí Công, cao tốc Ðà Nẵng-Quảng Ngãi (đoạn qua Quảng Nam), đường Trường Sơn Ðông; cầu Tân Ðợi, cầu Ðế Võng, cầu Giao Thủy, cầu Cẩm Kim, cầu Bình Ðào, cầu Nông Sơn... góp phần thúc đẩy phát triển các ngành, nghề, lĩnh vực; đã hình thành mạng lưới giao thông kết nối liên hoàn từ quốc lộ đến tỉnh lộ, từ trung tâm tỉnh lỵ đến tất cả các huyện, thị xã, thành phố và trung tâm các xã. Hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị, nông thôn tiếp tục được đầu tư; hình thành chuỗi đô thị ven biển… giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Quảng Nam thích ứng linh hoạt, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững -0
 

Quảng Nam vừa thông xe cầu Ông Điền bắc qua sông Cổ Cò.

Ðể tạo động lực và nền tảng phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới, bảo đảm đạt các mục tiêu Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ 22, tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ trên tất cả các ngành, lĩnh vực, trọng tâm là bảo đảm kết nối các vùng, địa phương trong tỉnh với ngoài tỉnh và cả nước, kết nối các tuyến giao thông và đô thị. Tiếp tục đầu tư hệ thống thủy lợi, các công trình phòng, tránh bão, lũ, ứng phó với biến đổi khí hậu; từng bước hoàn thiện cơ bản hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư. Chú trọng đầu tư các trung tâm du lịch, hệ thống dịch vụ, phục vụ sản xuất, kinh doanh; hệ thống thông tin truyền thông, dịch vụ tín dụng, điện tử tiện ích... Ðẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, hệ thống đường ven biển, đường nối với đường quốc lộ và đường cao tốc; các dự án đường đến vùng nguyên liệu; phát triển, khớp nối các tuyến đông-tây.

Tỉnh đang khẩn trương hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị, khu công nghiệp để sẵn sàng đón nhận nhà đầu tư mới. Phát triển hệ thống cảng biển và sân bay Chu Lai, hạ tầng các khu công nghiệp gắn với nhóm dự án về dịch vụ vận tải, hậu cần cảng và logistics nhằm thu hút các dự án quy mô lớn phù hợp với định hướng phát triển không gian xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai. Ðẩy nhanh tiến độ hoàn thành hạ tầng và tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy, nâng cao hiệu quả sử dụng đất các khu công nghiệp, đầu tư khu xử lý nước thải vùng đông; xúc tiến thủ tục để đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn nam Quảng Nam. Bố trí các nguồn vốn để thực hiện các chương trình, nghị quyết của HÐND tỉnh, đặc biệt là ba chương trình mục tiêu quốc gia. Ðầu tư phát triển đồng bộ về hạ tầng xã hội theo hướng chất lượng cao để phục vụ nhu cầu của nhân dân. Hoàn thành sắp xếp dân cư bền vững khu vực miền núi, ổn định phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới.

Trong năm 2022-2023, tỉnh sẽ huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các dự án có tính liên kết cao như quốc lộ 14E, 14G, 14D, 14B tạo kết nối liên vùng. Ðưa vào sử dụng tuyến đường Võ Chí Công nối từ Cửa Ðại đến Sân bay Chu Lai, bảo đảm tính kết nối liên vùng ven biển từ Ðà Nẵng-Quảng Nam-Quảng Ngãi. Hoàn thành dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò. Ðầu tư nạo vét sông Trường Giang phục vụ mục tiêu phòng, chống thiên tai, cải tạo môi trường, từng bước hình thành tuyến đường du lịch ven sông để thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ vùng đông của tỉnh. Ðầu tư và sớm hoàn thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam, Khoa điều trị các bệnh dịch nguy hiểm thuộc Bệnh viện chuyên khoa Lao và bệnh phổi. Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 4/5/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển đô thị loại I trực thuộc tỉnh; phấn đấu xây dựng Tam Kỳ cơ bản đạt tiêu chí của đô thị loại I vào năm 2025 và đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2030. Ðầu tư, phát triển các đô thị ven biển vùng đông nam từ Thăng Bình đến Núi Thành theo hình thức du lịch, dịch vụ, vui chơi, nghỉ dưỡng cao cấp với các sản phẩm đặc thù.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!