Quảng Nam tăng cường quản lý, giám sát tàu cá

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã tăng cường quản lý, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); nỗ lực góp phần gỡ “thẻ vàng” IUU, hướng đến phát triển bền vững ngành thủy sản...
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra kết quả thực hiện công tác chống khai thác thủy sản trái phép tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành (Quảng Nam).
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra kết quả thực hiện công tác chống khai thác thủy sản trái phép tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành (Quảng Nam).

Là một trong những tỉnh ở khu vực miền trung có nhiều lợi thế về nghề khai thác, chế biến thủy sản, Quảng Nam luôn chú trọng phát triển kinh tế biển, nhất là trong công tác thực hiện chống IUU.

Hướng đến phát triển bền vững

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có 2.116 tàu cá đã được đăng ký; trong đó, có 642 chiếc có chiều dài từ 15m trở lên, toàn bộ tàu cá đăng ký đã thực hiện sơn màu ca-bin tàu để đánh dấu tàu cá theo đúng quy định. Toàn tỉnh đã thành lập 9 nghiệp đoàn nghề cá, với 720 tàu và 4.879 lao động; 158 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển, với 1.040 tàu, 8.063 lao động tham gia. Nghiệp đoàn nghề cá và các tổ, đội đoàn kết đi vào hoạt động đã góp phần hỗ trợ sản xuất, cứu nạn, cứu hộ khi có tai nạn, thiên tai xảy ra trên vùng biển.

Nghề khai thác thủy sản của tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 15 nghìn lao động tại địa phương; trong đó, có 13 nghìn người khai thác trực tiếp trên biển và khoảng 2 nghìn lao động trên bờ làm nghề dịch vụ, thu mua, chế biến thủy sản. Kết thúc năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 130 nghìn tấn (tăng 1,5% so với năm 2022); trong đó, sản lượng khai thác gần 102,5 nghìn tấn. Sáu tháng đầu năm nay, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt 71.540 tấn (tăng 0,6% so với cùng kỳ 2023), gồm: sản lượng khai thác đạt 56.101 tấn và sản lượng nuôi trồng đạt 15.439 tấn.

Cùng các chính sách hỗ trợ về đầu tư mua sắm phương tiện đánh bắt, Quảng Nam thường xuyên tổ chức tuyên truyền ngư dân thực hiện, chấp hành tốt công tác phòng chống IUU. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 1.256 tàu cá (đạt tỷ lệ 59,4%). Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam đang phối hợp các địa phương ven biển thống kê, rà soát cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký, Giấy phép khai thác thủy sản đối với các tàu cá. Công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên được chú trọng. Đến nay đã có 636 tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ 99,1%.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Viết Tích cho biết, công tác tổ chức kiểm tra, giám sát của văn phòng IUU tại cảng luôn được chú trọng. Văn phòng IUU thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát 24/24 giờ tất cả các ngày để hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân chống IUU; theo dõi kiểm tra, kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng theo quy định; phối hợp xử lý vi phạm hành chính. Từ đầu năm đến nay, Quảng Nam có một số tàu cá vi phạm ranh giới được phép khai thác thủy sản trên biển. Ngay sau khi phát hiện dấu hiệu, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam đã liên lạc với gia đình tìm mọi cách yêu cầu các tàu quay về vùng biển được phép khai thác của Việt Nam.

Theo hệ thống giám sát hành trình tàu cá, từ đầu năm đến nay có một số tàu cá từ 15m trở lên có dấu hiệu mất kết nối hơn 6 giờ trên biển. Sau khi trở về bờ, tất cả các tàu nêu trên đều được xác minh và xử lý theo quy định. Ngoài ra, có một số tàu cá không thực hiện quy định trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hỏng bất khả kháng, thuyền trưởng không sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc khác, báo cáo vị trí tàu cá về trung tâm giám sát tàu cá ở Trung ương và 28 tỉnh, thành phố ven biển theo quy định...

Từ đầu năm đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp kiểm tra và xử phạt hành chính các trường hợp có dấu hiệu vi phạm IUU. Lý do bị phạt chủ yếu là do vi phạm quy định về thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá; ghi không đúng hoặc ghi không đầy đủ nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản; sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản, viết số đăng ký tàu cá không đúng quy định; thuyền viên trên tàu cá không có tên trong Sổ danh bạ thuyền viên tàu cá...

Xử lý nghiêm việc khai thác thủy sản trái phép

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên sông, trên biển và có sự phối hợp giữa các lực lượng trong tuần tra, kiểm tra, xử lý việc chấp hành các quy định. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lập danh sách tất cả tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU gửi cấp trên và 28 tỉnh, thành phố ven biển để phối hợp xử lý khi tàu về cảng; cùng với đó, thường xuyên theo dõi trên hệ thống giám sát hành trình tàu cá để kịp thời hướng dẫn và chỉ đạo. Nhờ vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, Quảng Nam không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt và bị xử lý.

Tuy nhiên, việc giám sát sản lượng hải sản khai thác qua cảng còn thấp so với tổng sản lượng hải sản khai thác trên toàn tỉnh; tình trạng mất kết nối tín hiệu giám sát hành trình trên biển đối với các tàu làm nghề câu mực khơi vẫn còn. Để sớm gỡ “thẻ vàng” IUU, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường tuyên truyền, tập huấn các quy định pháp luật chống IUU cho ngư dân và các tổ chức, cá nhân liên quan; triển khai thực hiện hiệu quả quy định về đăng kiểm viên tàu cá, công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá, bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư, đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản, xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá để thực hiện ngay việc đăng ký, đăng kiểm, cấp phép cho tàu cá “3 không” và cập nhật toàn bộ dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam cần triển khai thực hiện hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử khi tàu vào, ra cảng cá, giám sát sản lượng thủy sản lên bến; xử lý nghiêm tàu cá vi phạm không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên; đồng thời thực hiện tốt công tác xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác trong nước. Theo đó, toàn bộ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên cập, rời cảng phải bảo đảm đầy đủ giấy tờ, đặc biệt là thiết bị VMS trên tàu phải hoạt động liên tục theo quy định; toàn bộ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác tại các cảng cá, giám sát và truy xuất nguồn gốc.

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm tra, kiểm soát tất cả tàu cá xuất, nhập bến tại các Trạm Biên phòng tuyến biển và chỉ giải quyết xuất bến đối với tàu cá đi biển có đầy đủ các giấy tờ hành chính theo quy định; mở các đợt cao điểm, cùng các lực lượng liên quan tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các phương tiện hoạt động khai thác thủy sản trên biển để nâng cao hoạt động thực thi pháp luật, chống IUU.

Tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh và các lực lượng chức năng nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các chủ tàu, thuyền trưởng và các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. “Các địa phương ven biển trong tỉnh tăng cường tuyên truyền về chống IUU; khẩn trương hoàn thành 100% việc đăng ký, cấp phép tàu cá; phối hợp với Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát chặt chẽ số lượng tàu tắt tín hiệu VMS mà không rõ nguyên nhân”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Quang Bửu lưu ý ■