Quảng Nam đẩy mạnh trồng rừng thay thế

Những năm qua, hàng nghìn héc-ta rừng tự nhiên bị khai thác để nhường đất cho các dự án thủy điện và khai thác khoáng sản được triển khai tại các huyện miền núi Quảng Nam. Theo quy định, khi lấy đất rừng để làm công trình thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm trồng lại rừng thay thế. Tuy nhiên, việc triển khai trồng rừng thay thế tại nhiều nơi kéo dài, làm ảnh hưởng môi trường sinh thái.

Chăm sóc rừng trồng tại xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam).
Chăm sóc rừng trồng tại xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam).

Tại các huyện miền núi Quảng Nam thời gian qua đã có hàng chục công trình thủy điện lớn, nhỏ được khởi công xây dựng. Thực tế, khi có một công trình thủy điện triển khai thi công, tích nước, đồng nghĩa với hàng chục, thậm chí hàng trăm héc-ta rừng đầu nguồn bị chặt phá và bị nhấn chìm dưới lòng hồ. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, tổng diện tích rừng chuyển mục đích sang làm các công trình, dự án phải trồng rừng thay thế là hơn 1.650 ha, trong đó hơn 1.400 ha là diện tích chuyển sang làm thủy điện. Thế nhưng, công tác trồng rừng thay thế tại các dự án thủy điện và khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh lại được triển khai rất chậm.

Trao đổi ý kiến với các đồng chí lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Quảng Nam, chúng tôi được biết, theo kế hoạch, trong năm 2014, toàn tỉnh phải trồng lại hơn 770 ha rừng thay thế, nhưng thực tế chỉ trồng được gần 24 ha (đạt 3,4% kế hoạch). Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, công tác trồng rừng thay thế tại các dự án thủy điện và khai thác khoáng sản ở các huyện miền núi, tuy đã được UBND tỉnh chỉ đạo thường xuyên, nhưng tiến độ vẫn chậm, chưa được các chủ nhà máy thủy điện quan tâm đúng mức. Tính đến giữa tháng 6-2016, toàn tỉnh chỉ trồng được khoảng 840 ha rừng thay thế, đạt hơn 50% kế hoạch. Khi được hỏi vì sao việc trồng rừng thay thế tại Quảng Nam thực hiện chậm, các cơ quan chức năng cho rằng, nguyên nhân chính là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở các địa phương chưa kịp thời. Một số địa phương khi xây dựng phương án không tính đến kinh phí bồi thường đất và các loại cây trên đất cho người dân, đến khi triển khai không có nguồn tiền để hỗ trợ… dẫn đến không thực hiện được. Trong thực tế, có nhiều dự án đã hoàn thành và chuyển giao cho đơn vị khác tiếp quản, khai thác; thậm chí nhiều ban quản lý dự án đã giải thể, song không dự toán kinh phí để trồng rừng. Thêm vào đó, quỹ đất lâm nghiệp cho trồng rừng thay thế tại các địa phương khá thấp, nhất là sau khi Bộ NN và PTNT có yêu cầu chỉ ưu tiên trồng rừng trên diện tích đất trống quy hoạch rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng. Trong khi đó, khu quy hoạch là “đất trống” thì đã bị người dân lấn chiếm, sử dụng canh tác, cho nên việc thu hồi gặp khó khăn.

Đáng nói là nhiều chủ đầu tư còn coi nhẹ việc trồng rừng thay thế, triển khai trồng rất hời hợt. Theo lãnh đạo huyện Phú Ninh, ở khu vực mỏ vàng Bồng Miêu (thuộc xã Tam Lãnh), Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu đã khai thác hàng trăm héc-ta đất để lấy quặng, nhưng đến nay còn khoảng 20 ha đất bỏ hoang nhiều năm, vẫn chưa trồng rừng thay thế; thậm chí có nhiều diện tích khai thác xong vẫn chưa được hoàn thổ, gây ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường. Đối với các dự án phát triển kinh tế dân sinh, trong quá trình xây dựng dự án lại không có nguồn vốn cho việc trồng rừng thay thế.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam Phan Sỹ Hùng cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương, cho nên những tháng gần đây công tác trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến rõ nét. Tính đến nay, các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh đã trồng rừng thay thế hơn 1.750 ha, đạt gần 97% kế hoạch. Đáng mừng là có một số nhà máy thủy điện như: Sông Kôn, Tr’Hy, Sông Tranh 2, Sông Tranh 3 đã trồng hơn 300 ha, vượt hơn 102% tổng số diện tích buộc phải trồng. Qua kiểm tra mới đây cho thấy, hầu hết các chủ dự án đều triển khai trồng rừng theo đúng quy hoạch, phương án được phê duyệt; đồng thời nắm rõ kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc. Nhờ thế, tỷ lệ cây sống cao, đáp ứng yêu cầu đề ra.

Rút kinh nghiệm những năm trước, công tác trồng rừng thay thế ở Quảng Nam được siết chặt. Theo chủ trương của tỉnh, đối với các dự án mới mà có tác động đến rừng, các cơ quan chức năng của tỉnh có trách nhiệm giám sát chặt chẽ và buộc chủ đầu tư khi xây dựng quy hoạch dự án phải tính toán và xây dựng phương án trồng rừng thay thế. Và khi phương án trồng rừng thay thế được phê duyệt thì dự án mới được phê duyệt và tiến hành triển khai. Riêng đối với các dự án triển khai trước năm 2014, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tiến hành rà soát các danh mục phải thực hiện trồng rừng thay thế, xác định diện tích, giá trị của mỗi dự án; đồng thời khuyến nghị các chủ đầu tư rà soát, đánh giá hiệu quả các phương thức tổ chức trồng rừng thay thế; xây dựng các hướng dẫn, quy định để thống nhất tổ chức thực hiện trồng rừng thay thế một cách kịp thời nhằm không ngừng nâng cao độ che phủ rừng và cải thiện chất lượng rừng trên địa bàn tỉnh.