Thời gian tới, Tỉnh ủy Quảng Nam tiếp tục rà soát chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS; phát hiện những nhân tố mới, đủ tiêu chuẩn, bổ sung vào nguồn quy hoạch cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, các chức danh lãnh đạo chủ chốt; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ người DTTS, nhất là cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở,...
Các cấp ủy, địa phương có giải pháp khắc phục khó khăn, tuyển dụng cán bộ người DTTS vào làm việc tại cơ quan cấp tỉnh, địa phương, đơn vị… bảo đảm số lượng, tỷ lệ hợp lý, đúng tiêu chuẩn quy định; rà soát, xét tuyển công chức cho tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã là người DTTS theo đối tượng. Xây dựng quỹ biên chế sự nghiệp dự phòng của tỉnh, bố trí cho mỗi huyện miền núi từ năm đến 10 biên chế sự nghiệp dự phòng; một số sở, ban, ngành tỉnh từ một đến hai biên chế sự nghiệp dự phòng nhằm đào tạo, bồi dưỡng để sau này bố trí về công tác ở các huyện miền núi; tiếp tục quan tâm việc phát triển đảng viên là người DTTS.
* Bến Tre huy động nguồn lực nông thôn mới
Tỉnh Bến Tre phấn đấu đến cuối năm 2020 có ít nhất 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới; các xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên. Để đạt mục tiêu đó, Bến Tre tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hoàn thiện hạ tầng nông thôn theo chuẩn xã nông thôn mới; ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm.
Bến Tre triển khai có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị đối với tám sản phẩm nông nghiệp chủ lực; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái và thích ứng biến đổi khí hậu, gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả; nghiên cứu ban hành các chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển mô hình liên kết bốn nhà trong sản xuất nông nghiệp, tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa người dân và doanh nghiệp.
Mục tiêu đến năm 2020, tất cả các tuyến đường xã và đường từ xã đến huyện đạt chuẩn nông thôn mới, các tuyến đường còn lại cứng hóa; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 50 triệu đồng/người/năm trở lên; mỗi năm giảm 1,5% hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 4,45%...