Quảng Bình vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền

Thực hiện chủ trương của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, Tỉnh ủy Quảng Bình đẩy mạnh triển khai thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (Quyết định số 218-QĐ/TW).  Với nhiều cách làm sáng tạo, tích cực, các cấp ủy đảng, chính quyền ngày càng phát huy hiệu quả sự tham gia của nhân dân vào công việc chung, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đặt ra.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Mặt trận các cấp huyện Bố Trạch trao đổi về mô hình khu dân cư tự quản.
Cán bộ Mặt trận các cấp huyện Bố Trạch trao đổi về mô hình khu dân cư tự quản.

Nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị

Xác định nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền là một giải pháp quan trọng giúp nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, ngay từ khi Trung ương ban hành Quyết định số 218-QĐ/TW, Tỉnh ủy Quảng Bình đã đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền và triển khai trong toàn hệ thống chính trị. Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 83-KH/TU ngày 18/3/2014 về tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW; tổ chức hội nghị học tập, quán triệt cho đội ngũ cán bộ cốt cán; chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), đoàn thể chính trị-xã hội các cấp triển khai học tập, quán triệt. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Quyết định số 218-QĐ/TW để đông đảo quần chúng nhân dân cùng biết và thực hiện.

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tất cả các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã tổ chức hội nghị học tập, quán triệt với tỷ lệ cán bộ, đảng viên đạt 98%, đoàn viên, hội viên và nhân dân đạt hơn 80%. Sau các hội nghị quán triệt, MTTQ các cấp đã tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông, các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Hơn 10 năm thực hiện, MTTQ các cấp đã tổ chức tuyên truyền hơn 10.200 buổi cho hơn 720.000 người tham dự, xây dựng 60 chuyên trang, chuyên mục, đăng tải hàng nghìn tin, bài, ảnh; cung cấp hơn 1.000 cuốn tài liệu tuyên truyền. Công tác thông tin, tuyên truyền tiếp tục được MTTQ các cấp đổi mới, phong phú về nội dung, hình thức. Mới đây, mô hình “Zalo kết nối người dân” của MTTQ thành phố Đồng Hới, các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa và thị xã Ba Đồn... đã góp phần tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân và cũng qua đó thu nhận hàng nghìn lượt ý kiến đóng góp của người dân mỗi năm.

Để bảo đảm Quyết định số 218-QĐ/TW được thực hiện hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 1896-QĐ/TU ngày 11/5/2015 về việc quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan nhà nước đối thoại trực tiếp với nhân dân và Quyết định số 381-QĐ/TU ngày 4/11/2016 về quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tiếp thu ý kiến góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Triển khai các quyết định, quy định của Tỉnh ủy Quảng Bình, các cấp ủy đảng, chính quyền công khai những nội dung nhân dân được tham gia đóng góp ý kiến. Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về các chủ trương, chính sách, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên, dự thảo các văn bản của cấp ủy; tổ chức đảng; các báo cáo kết quả thanh tra giám sát, kiểm toán của cơ quan, đơn vị khi có yêu cầu. Đảng ủy, UBND xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở; công khai niêm yết các nội dung “dân biết, dân bàn” theo quy chế dân chủ ở cơ sở; cụ thể như các chủ trương về mức đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình công cộng; xây dựng các quy ước, nếp sống văn minh, giữ gìn an ninh trật tự,... Những nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống đều được đưa ra lấy ý kiến đóng góp và tổ chức thực hiện theo ý kiến của đa số người dân.

Nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền đã được người dân ghi nhận và tích cực tham gia góp ý. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Trương Văn Hởi, sau hơn 10 năm thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, MTTQ các cấp đã tổ chức hơn 11.000 cuộc họp, hội nghị, làm việc để nhân dân trực tiếp, gián tiếp tham gia góp ý với tổ chức đảng, chính quyền; nội dung tập trung vào nhiều lĩnh vực, công việc quan trọng như: Tham gia góp ý vào các dự thảo văn bản quan trọng của chính quyền cùng cấp, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về phát triển kinh tế-xã hội; quốc phòng-an ninh có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Tăng cường đồng thuận xã hội, thúc đẩy phát triển

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã giúp Quảng Bình đạt nhiều kết quả trong thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền trong tiếp nhận và giải quyết các ý kiến góp ý của nhân dân đã góp phần hóa giải nhiều khúc mắc, tạo đồng thuận giữa cấp ủy, chính quyền, cán bộ và nhân dân.

Thời gian qua, việc triển khai các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và tỉnh trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng. Để giải quyết, lãnh đạo UBND tỉnh đã phối hợp MTTQ các cấp tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân. Nổi bật là các cuộc đối thoại về vấn đề thu hồi đất, đền bù, giải tỏa khi thực hiện Dự án đường bộ cao tốc bắc-nam, phía đông đoạn đi qua tỉnh; dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3...; bồi thường sự cố môi trường biển; công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dời đối với Trung tâm Nhiệt điện Quảng Trạch...

Sau các buổi đối thoại, Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ giải quyết các kiến nghị của nhân dân theo đúng quy định; đồng thời, báo cáo HĐND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh để góp ý, theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện; thường xuyên đôn đốc, theo dõi các cơ quan giải quyết kịp thời các kiến nghị của nhân dân. Cách làm này được dư luận đánh giá cao bởi nhiều ý kiến, kiến nghị của người dân đã được giải quyết kịp thời, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân.

Đối thoại với nhân dân cũng được các cấp ủy, địa phương các cấp chú trọng. Huyện Bố Trạch vốn có nguồn lực còn hạn chế, khó khăn nhưng vài năm trở lại đây đã có những bứt phá trong xây dựng nông thôn mới. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Cẩm Long thông tin: Năm 2024, toàn huyện có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn lên 18 xã; trong đó, có một xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Huyện đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có trên 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có được thành tích đó là do cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm tổ chức họp bàn, đối thoại, lấy ý kiến nhân dân trong quá trình thực hiện các tiêu chí. Cách làm này được người dân đánh giá cao; từ đó tích cực tự nguyện hiến đất, tường rào, cây xanh, ngày công và ủng hộ kinh phí. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, người dân địa phương đã đóng góp hơn 40 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đánh giá: Qua hơn 10 năm thực hiện chủ trương, các quy định về vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, nổi bật là các dự án hạ tầng giao thông sau khi hoàn thành đã giúp địa phương phát huy hiệu quả cao. Giao thông đô thị được đầu tư, nâng cấp làm cho bộ mặt các đô thị ngày càng khang trang; mạng lưới giao thông nông thôn ngày càng phát triển, mở rộng đến vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang, cồn bãi.

Hệ thống giao thông trên địa bàn toàn tỉnh đã kết nối tương đối liên hoàn, bao gồm đủ cả 5 loại hình đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa; kết nối Quảng Bình với cả nước và một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Việc hoàn thiện hạ tầng cơ sở, nhất là giao thông cũng giúp Quảng Bình đưa du lịch trở thành ngành mũi nhọn. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã đón hơn 2,44 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế (tăng 23,7% so với cùng kỳ), đạt 54% kế hoạch năm. Nhiều sản phẩm du lịch mới được xây dựng và đưa vào hoạt động như các tour thám hiểm hang động, dịch vụ trải nghiệm cuộc sống nông thôn, tour sinh thái; nhận được sự đánh giá tích cực của khách du lịch và các website, tạp chí quốc tế...

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, khảo sát thực tế tại Quảng Bình cho thấy chất lượng, hiệu quả công tác tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp có lúc chưa đáp ứng yêu cầu; công tác phối hợp có lúc chưa đồng bộ, nhiều đề xuất, kiến nghị chưa được chính quyền xem xét, giải quyết, phản hồi thỏa đáng, việc giải quyết của một số ban, ngành thực hiện còn chậm, chưa dứt điểm. Để tiếp tục thực hiện tốt Quy định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy yêu cầu chính quyền các cấp tăng cường phối hợp, tạo điều kiện để MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Chú trọng phối hợp phát huy vai trò phản biện, góp ý của các tổ chức chính trị-xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Tăng cường công tác đối thoại trực tiếp với nhân dân, giải quyết kịp thời những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Hằng năm, cần có chương trình phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội cùng cấp; thực hiện nghiêm túc việc tiếp thu, giải trình, giải quyết những kiến nghị của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội theo quy định. Thực hiện cân đối ngân sách, bố trí kinh phí để MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo quy chế, quy định của Bộ Chính trị ■