Quảng Bình tăng cường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP qua kênh thương mại điện tử

Ðối với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) cả nước nói chung, tỉnh Quảng Bình nói riêng, thương mại điện tử có vai trò quan trọng trong quảng bá, xúc tiến, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường, khách hàng lớn tiềm năng. Không những thế, thông qua thương mại điện tử, năng lực quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh, quá trình chuyển đổi số của chủ thể của OCOP cũng được nâng lên.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm OCOP của Hợp tác xã sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch.
Sản phẩm OCOP của Hợp tác xã sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch.

Đến nay, tỉnh Quảng Bình có 145 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 19 sản phẩm đạt 4 sao và 126 sản phẩm đạt 3 sao. Nhiều sản phẩm chất lượng cao, bao bì đóng gói hiện đại, mẫu mã đẹp. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất trong tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc giới thiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua các nền tảng trực tuyến, điện tử.

Năm 2019, Hợp tác xã nông sản Vân Di, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy được thành lập với ngành nghề chính là sản xuất các sản phẩm tinh bột: Sắn dây, nghệ đỏ, nghệ đen, viên nghệ đỏ mật ong, bánh xoài...

Từ ngày đầu khởi nghiệp, sản phẩm của hợp tác xã được bày bán, tiêu thụ tại địa phương thông qua kênh mua bán trực tiếp. Sản phẩm ngày càng được nâng cao chất lượng, mẫu mã đẹp, được nhiều người mua tin dùng. Không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh, các sản phẩm của hợp tác xã dần hướng đến thị trường ngoài và qua kênh thương mại điện tử.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Hợp tác xã nông sản Vân Di Mai Thị Vân, ban đầu khi bán hàng qua kênh thương mại điện tử, đơn vị còn lúng túng vì chưa biết cách xây dựng hình ảnh, cách quảng bá để nhiều người biết đến sản phẩm. Với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương Quảng Bình), giờ đây, gian hàng trực tuyến của hợp tác xã đã hoàn chỉnh hơn về mặt hình ảnh và niêm yết giá cả. Hợp tác xã còn được hỗ trợ tạo QR code để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.

Tương tự, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Minh ở huyện Lệ Thủy cũng đã nắm bắt được cơ hội để quảng bá và bán sản phẩm là các loại tinh dầu thiên nhiên, dầu gội, sữa tắm thảo mộc... thông qua các sàn thương mại điện tử.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Võ Phước Bách, hơn 90% số sản phẩm của đơn vị được bán trên nhiều kênh thương mại điện tử, trang web của Hợp tác xã và các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo. “Quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trên hạ tầng internet giúp hợp tác xã tiếp cận được với nhiều khách hàng và phạm vi rộng hơn. Vì thế, doanh số bán hàng cũng tăng lên và mở ra cơ hội, tiềm năng lớn cho cơ sở”, anh Bách cho biết.

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chủ thể các sản phẩm OCOP ở Quảng Bình mặc dù nhận thức được hiệu quả to lớn của cách giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn qua sàn giao dịch thương mại điện tử nhưng khi bắt tay vào làm thì gặp nhiều khó khăn. Vì thế, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc quảng bá thương hiệu, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP trên không gian mạng.

Phó Giám đốc Trung tâm Hoàng Thị Hải Vinh cho biết, đơn vị đã hỗ trợ 5 hợp tác xã, cơ sở sản xuất áp dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ QR code) để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm; hỗ trợ 4 doanh nghiệp xây dựng “gian hàng Việt trực tuyến” gồm các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP tiêu biểu trên một số sàn thương mại điện tử lớn, có uy tín của Việt Nam; hỗ trợ 5 đơn vị phát triển thương hiệu trên môi trường internet thông qua kênh truyền thông marketing trên nền tảng số.

Trung tâm cũng giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã vừa thúc đẩy việc chuẩn hóa quy trình sản xuất an toàn, minh bạch từ khâu sản xuất đến phân phối tới tay người tiêu dùng, tạo niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm hàng hóa.

Trung tâm xây dựng và vận hành sàn thương mại điện tử Quảng Bình (quangbinhtrade.vn) trở thành kênh giao dịch hàng hóa trực tuyến uy tín, hiện đại được nhiều khách hàng biết đến và ưu tiên truy cập khi có nhu cầu mua sắm trực tuyến. Hiện sàn có hơn 200 doanh nghiệp, hợp tác xã cơ sở sản xuất tham gia quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, trong đó có rất nhiều sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Cùng với Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình, hiện có nhiều đơn vị trong tỉnh đang giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ, bằng cách đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Bưu điện Quảng Bình hỗ trợ các cơ sở sản xuất đưa hàng chục sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn bằng cách hướng dẫn các hộ kinh doanh đăng ký tài khoản, quy trình đóng gói-kết nối-giao nhận để hỗ trợ kỹ thuật tác nghiệp cho các hộ sản xuất nông nghiệp trong quá trình kết nối, mua bán qua sàn.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình Trần Tiến Sỹ cho rằng, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trong tỉnh đã mạnh dạn sử dụng kênh thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, số lượng còn ít. Thực tế cho thấy, có nhiều sản phẩm của nông dân khi đưa lên sàn, người mua cần nhiều lại không đáp ứng được; một số sản phẩm thì có tính chất thời vụ. Do vậy, lựa chọn sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử phải phù hợp với nhu cầu, xu hướng của người tiêu dùng và bảo đảm khả năng cung cấp theo yêu cầu khách hàng.