Chạy đua trên cánh đồng
Không còn cảnh tiêu điều sau lũ, giờ đây, vùng trồng rau xanh của huyện vùng lũ Lệ Thủy đã khoác lên mầu xanh của rau, hoa các loại. Trên cánh đồng cạnh quốc lộ 1A ở xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, nông dân không quản mưa rét vẫn ra đồng chăm sóc rau xanh. Ông Lê Văn Quế ở thôn An Định, xã Hồng Thủy, đang bón phân hữu cơ cho ruộng trồng su hào của mình, cho biết, giống được gieo từ hạt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ. Ông gánh bùn đắp lên sân nhà rồi gieo hạt giống. Khi lũ ngoài đồng rút được vài hôm, chờ cho đất vừa ráo là ông đánh luống, lên vạt và đưa giống su hào ra trồng. “Ruộng su hào này gia đình tôi thu hoạch vào dịp Tết. Năm nay lũ lớn, người trồng su hào trên vùng cát Lệ Thủy không nhiều, nên giá cũng cao hơn các năm trước” - ông Quế nói. Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy Phạm Minh Huấn cho biết, trong đợt lũ lụt lịch sử, toàn xã thiệt hại hơn 32 tỷ đồng. Nước lũ rút đi, nông dân dọn dẹp vườn tược, bắt tay ngay vào khôi phục sản xuất, đến nay đã trồng và có thu hoạch được sản phẩm rau sạch các loại với diện tích gần 200 ha. Các loại hoa Tết cũng đang đua nhau khoe sắc đón xuân sang. Đồng chí Phạm Minh Huấn cho biết, do mưa rét liên tục nên để các loại hoa cúc, ly, lay-ơn… kịp nở vụ Tết, người trồng phải che chắn gió đông cẩn thận, ban đêm phải thắp điện sưởi ấm cho cây. Nông dân xã Hồng Thủy đang chạy đua để có sản phẩm nông nghiệp phục vụ Tết và có thêm thu nhập.
Tại thị xã Ba Đồn bị thiệt hại lớn, anh Hoàng Nam Doan, tổ dân phố Trường Sơn, phường Quảng Long cho biết, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng và áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel của anh thiệt hại lớn do lũ. Không thể khoanh tay ngồi nhìn, anh quyết định vay thêm vốn để sửa sang cơ sở vật chất và trồng lại dưa lưới, dưa chuột, hoa và rau. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, hiện hơn 700 gốc dưa lưới đã chuẩn bị cho thu hoạch, nhiều diện tích hoa cúc, hoa đồng tiền cũng kịp xuất bán đúng dịp Tết.
Trên cánh đồng phường Quảng Phúc, thị xa Ba Đồn những ngày cuối tháng 1, người dân đang tích cực làm đất, trồng khoai lang. Ông Nguyễn Bình Sự, tổ dân phố Đơn Sa, phường Quảng Phúc cho biết, vụ đông xuân, gia đình trồng 750 m2 khoai lang. So với cây lúa, trồng khoai lang cho hiệu quả kinh tế cao gấp hơn ba lần. Sau khi trồng xong khoai lang, tôi trồng xen giống ngô lai để nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích. Không chỉ cây khoai lang ở thị xã Ba Đồn mà kể từ khi sản phảm từ khoai lang là khoai dẻo thành đặc sản của Quảng Bình được khách du lịch yêu thích, tin dùng, giá trị cây trồng này có giá hơn hẳn. Có nhiều hộ gia đình trong tỉnh thu hàng trăm triệu đồng từ trồng cây khoai lang.
Hỗ trợ người dân tái sản xuất
Lệ Thủy là huyện có diện tích lúa đông xuân lớn nhất tỉnh Quảng Bình với khoảng 10.200 ha. Năm nay, do lũ quá lớn nên các giống lúa cất trữ hầu hết bị ướt, hỏng. Nhiều công trình thủy lợi, hệ thống đê điều hư hỏng nặng. Vì vậy, nhiệm vụ tái thiết sản xuất đặt ra hết sức nặng nề đối với địa phương này. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) huyện Lệ Thủy Nguyễn Văn Vương cho biết, Lệ Thủy là vùng lũ cho nên kinh nghiệm ứng phó và khắc phục hậu quả dù gặp nhiều khó khăn song cũng khá chủ động và linh hoạt để sớm ổn định sản xuất. Huyện kịp thời phân bổ 180 tấn lúa giống, 1,5 tấn hạt rau giống từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ cho người dân kịp gieo trồng để có nguồn rau xanh phục vụ đời sống sau lũ và sản xuất vụ đông xuân; đồng thời trên cơ sở đăng ký số lượng giống lúa của nông dân, huyện phối hợp Công ty cổ phần giống cây trồng Quảng Bình cung ứng đến từng khu vực dân cư, với mức trợ giá giống lúa hợp lý, chia sẻ khó khăn với người dân. Về cơ cấu giống, Lệ Thủy chủ động sử dụng các giống lúa chất lượng cao, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thông qua mối liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoặc từng nhóm nông dân.
Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Quảng Bình Mai Văn Minh cho biết, cùng với một lượng giống cây trồng được Chính phủ, Bộ NN - PTNT hỗ trợ, tỉnh Quảng Bình trích 10 tỷ đồng từ Quỹ cứu trợ của tỉnh và huy động từ các nguồn khác hàng chục tỷ đồng để mua hơn 1.500 tấn giống lúa theo đúng chủng loại và cơ cấu giống của địa phương cung ứng kịp thời cho sản xuất. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân trong tỉnh xuống giống cơ bản hoàn thành gần 30.000 ha lúa đông xuân theo kế hoạch. Sau đợt lũ lớn, đồng ruộng được thau chua rửa mặn, sâu bệnh và chuột cũng bị cuốn trôi, đồng ruộng được bồi thêm lớp phù sa, hứa hẹn mang lại sự sinh trưởng tốt cho cây trồng. Sở NN - PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bám cơ sở để hướng dẫn, vận động các xã, hợp tác xã và người dân xây dựng phương án phòng trừ dịch hại ngay từ đầu vụ, chú trọng các biện pháp phòng trừ theo hướng an toàn sinh học, thân thiện với môi trường; áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất và sản lượng cây trồng.
Cái khó nhất hiện nay là sau lũ, Quảng Bình có hơn 120 ha ruộng bị đất cát vùi lấp không thể phục hồi để trồng lúa và hoa màu. Sở NN - PTNT tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các địa phương hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích ruộng lúa bị vùi lấp sang đào ao nuôi cá, còn những ruộng màu thì trồng thử nghiệm bí ngô.
Mới đây, kiểm tra tình hình tái thiết sản xuất tại Quảng Bình, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao những nỗ lực của ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương và bà con nông dân. “Từ nguồn hỗ trợ giống cây, con của Trung ương, Quảng Bình phân bổ kịp thời và chỉ đạo phục hồi, tái thiết sản xuất có hiệu quả. Nông nghiệp tỉnh Quảng Bình có sự phục hồi tốt. Đặc biệt, ngay sau mưa lũ, bà con có rau xanh để sử dụng trong bữa ăn hằng ngày và có thu nhập từ rau xanh, đây là kinh nghiệm cần được nhân rộng ở các địa phương khác” - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Bài và ảnh: HƯƠNG GIANG