Vụ hè thu 2022, tỉnh Quảng Bình xuống giống hơn 14.000ha lúa. Đến nửa cuối tháng 8, các địa phương ở phía bắc tỉnh tranh thủ thời tiết nắng đẹp để thu hoạch lúa với năng suất cao. Đây được xem là năm lúa hè thu được mùa ở phía bắc tỉnh Quảng Bình.
Ở 2 huyện phía nam là Lệ Thủy và Quảng Ninh, do xuống giống muộn hơn nên đến nay, lúa đang trong giai đoạn chín rộ và sắp thu hoạch. Tuy nhiên, hiện nông dân các địa phương đang đối mặt với nạn chuột phá hoại với mức độ khá nghiêm trọng.
Theo Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Quảng Bình Lê Xuân Tứ, nạn chuột cắn phá lúa hè thu ở 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh nhiều là do đang vào thời điểm đàn chuột di cư để chuẩn bị tránh mùa mưa lũ sắp tới. Di cư đến đâu, chúng cắn phá lúa, hoa màu của người dân đến đó.
Người dân dựng hàng rào bằng nilon để phòng chống chuột vào cắt phá ruộng lúa. |
Trên cánh đồng lúa ở thôn Đông Thành, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, nông dân Lê Văn Thái cho biết, gia đình ông làm 5 mẫu ruộng nhưng 3 mẫu đã bị chuột đã cắn phá nát hết, chưa thu hoạch nhưng chắc chắn năng suất và sản lượng giảm mạnh. Hơn một tuần nay, ông Thái bỏ tiền mua nilon về bao ngăn đồng ruộng, ban đêm đặt hàng trăm bẫy kẹp để bắt chuột. Không chỉ huy động người trong gia đình mà ông Thái còn thuê thêm 6 người, hằng đêm đi đặt bẫy chuột.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy Lê Văn Tân cho biết, trước thiệt hại đối với sản xuất do chuột phá hoại, địa phương đã hỗ trợ cho nông dân kinh phí mua bã sinh học diệt chuột và hàng rào nilon chắn để chuột không vào được ruộng lúa. Bên cạnh đó, các xã vận động bà con dùng các loại bẫy chuột, đào các hố sâu xung quanh bờ bao rồi đặt các miếng tôn khoanh tròn như cái xô để khi chuột chạy tới, bị rơi vào hố mà không thể trèo lên được…
Để bảo vệ đồng ruộng, nông dân huyện Quảng Ninh đã sáng tạo ra nhiều mô hình phòng, chống chuột hiệu quả.
Ông Hoàng Hải Đàn, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất, xã An Ninh, cho biết, để bảo vệ an toàn cho 220ha lúa đang chín trước nạn chuột phá hoại, Hợp tác xã bỏ ra 150 triệu đồng mua nilon để dựng tuyến bảo vệ đồng ruộng chống chuột di cư đến. Tuyến bảo vệ này có tổng chiều dài gần 17km, bao quanh toàn bộ diện tích lúa trên đồng.
Ở những nơi được xác định đàn chuột thường đi qua thì được gia cố dưới chân thêm lớp tôn cao 0,5m để ngăn chuột cắn phá hàng rào nilon. Đường đi của chuột đều được ngăn chặn và đặt các bẫy lồng sắt lớn để hứng chuột. Có những đêm, 1 bẫy chuột bắt được 50-60 con, đủ kích cỡ.
Vừa dựng hàng rào, vừa sử dụng bẫy bắt chuột tại Hợp tác xã Thống Nhất, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh. |
Để khuyến khích thành viên tích cực tham gia diệt chuột, Hợp tác xã đã đề ra quy định thu mua 1 đuôi chuột 1.000 đồng. Nhờ vậy, cánh đồng lúa chín rộ của Hợp tác xã Thống Nhất được bảo vệ an toàn, diện tích lúa bị chuột phá không đáng kể.
Đại diện lãnh đạo huyện Quảng Ninh cho biết, với diện tích canh tác gần 3.500ha, vụ hè thu năm nay thời tiết tương đối thuận lợi, cùng với đó là nhiều diện tích sử dụng giống lúa mới nên cây lúa phát triển tốt, hạt chắc đều, năng suất dự ước đạt hơn 50 tạ/ha. Tuy nhiên, điều trăn trở nhất hiện nay là nạn chuột gây hại đồng ruộng.
Các cấp chính quyền hỗ trợ một phần kinh phí, các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trích thêm tiền để mua trang thiết bị, bã chuột sinh học phòng, chống chuột cùng với các biện pháp diệt chuột thủ công nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do chuột phá hại mùa màng.
Cách làm của Hợp tác xã Thống Nhất cho thấy sự sáng tạo, linh hoạt của từng đơn vị sản xuất đang được nhân rộng tại địa phương, góp phần mang lại năng suất cao trong vụ lúa hè thu, bảo vệ thành quả sản xuất của người nông dân.