Quảng Bình: Nhiều bệnh viện gặp khó do thiếu thuốc y học cổ truyền

NDO - Nhiều tháng nay, một số bệnh viện tại tỉnh Quảng Bình thiếu thuốc y học cổ truyền nghiêm trọng. Thậm chí có nơi trong kho không còn thuốc nhưng không thể mua được khiến việc điều trị cho bệnh nhân gặp khó khăn. Sở Y tế Quảng Bình kiến nghị Bộ Y tế nhưng vẫn chưa được giải quyết.
0:00 / 0:00
0:00
Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Y dược cổ truyền Quảng Bình.
Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Y dược cổ truyền Quảng Bình.

Ông Lê Viết Bảo, trú tại phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình vào Bệnh viện Y dược cổ truyền Quảng Bình để điều trị bệnh thoái hóa cột sống lưng và cổ hơn một tháng nay với phác đồ điều trị đông tây-y kết hợp. Tuy nhiên tình trạng thiếu thuốc y học cổ truyền đã khiến việc điều trị của ông gặp nhiều khó khăn.

Ông Bảo cho biết, với các các bệnh xương khớp ông điều trị tây y nhiều rồi nhưng không đỡ nên chuyển hướng sử dụng thuốc sang đông y, bản thân thấy liệu pháp điều trị phù hợp và sức khỏe ổn hơn nên lựa chọn y học cổ truyền để điều trị bệnh trong thời gian dài. “Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, bác sĩ nói hết thuốc đông y nên phải sử dụng thuốc tây và số loại thuốc đông y đã được chiết xuất thành tân dược tôi thấy không yên tâm”- ông Bảo nói.

Bác sĩ Hoàng Thị Kim Thoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền Quảng Bình cho biết: “Bệnh viện chuyên điều trị cho người bệnh bằng phương pháp kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại. Tuy nhiên hiện nay các loại thuốc y học cổ truyền của bệnh viện gặp nhiều khó khăn nên chỉ có thể điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp không dùng thuốc hoặc chỉ sử dụng thuốc tây y và các chế phẩm y học cổ truyền.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Y dược cổ truyền Quảng Bình, để chủ động và đủ cơ số thuốc điều trị cho bệnh nhân, bệnh viện đã thông báo rộng rãi tìm nguồn cung ứng thuốc y học cổ truyền từ mấy tháng trước nhưng không có nhà thầu nào tham gia, cho đến nay thì đã hết thuốc. Không chỉ ông Lê Viết Bảo mà hàng trăm bệnh nhân đang điều trị nội trú ở đây đều chung cảnh điều trị thiếu thuốc này. Khi không có thuốc đông y, bệnh viện bắt buộc phải dùng phương án thay thế tạm thời, hiệu quả sẽ không cao và thời gian điều trị cũng dài hơn.

Quảng Bình: Nhiều bệnh viện gặp khó do thiếu thuốc y học cổ truyền ảnh 1

Do thiếu thuốc đông y cho nên Bệnh viện Y dược cổ truyền Quảng Bình phải tiêm thuốc tây y cho người bệnh.

Nguyên nhân của việc thiếu thuốc y học cổ truyền xuất phát từ quy định trong thông tư 38 của Bộ Y tế, có hiệu lực từ ngày 15/2/2022. Theo quy định, cơ sở khám chữa bệnh chỉ sử dụng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phải được cấp giấy đăng ký lưu hành. Song thực tế, số lượng vị thuốc cổ truyền được cấp giấy đăng ký lưu hành còn rất ít.

“Đặc thù của thuốc y học cổ truyền khác thuốc tân dược. Thuốc này chủ yếu đến từ các loại lá và rễ cây trong tự nhiên, người dân đi hái từ rừng về nên chưa thể có số đăng ký. Chưa có lộ trình cho việc này nên khi áp ngay vào thì bộc lộ sự bất cập, dẫn đến việc thiếu thuốc điều trị cho người bệnh”- đại diện bệnh viện nói.

Theo bác sĩ Đinh Viễn Anh, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình, thời gian gần đây, 3 bệnh viện trong tỉnh đăng ký để đấu thầu thuốc y dược cổ truyền, song khi đăng tải thông báo mời thầu một thời gian dài mà vẫn không có doanh nghiệp, đơn vị nào tham gia. Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh và các đơn vị tuyến huyện trong giai đoạn khó khăn thì dùng các thuốc khác thay thế để bảo đảm cho người bệnh; đồng thời đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế có giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc đông y hiện nay.

Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu khám, chữa bệnh ở các bệnh viện trong tỉnh Quảng Bình tăng cao, trong đó có không ít người bệnh chọn cơ sở y tế cổ truyền để điều trị bệnh và bồi bổ cơ thể. Việc thiếu thuốc y học cổ truyền cũng đã gây khó khăn trong phác đồ điều trị của bệnh viện.

Mặc dù đầu tháng 9 vừa qua, Bộ Y tế ban hành Thông tư 09 quy định về mời thầu mua sắm dược liệu và vị thuốc cổ truyền tại cơ sở y tế công lập nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến đấu thầu dược liệu và thuốc y học cổ truyền. Tuy vậy, nếu không sửa đổi hoặc có các quy định mới trong việc cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, chất lượng dược liệu, nguyên liệu làm thuốc cổ truyền thì việc cung ứng thuốc y học cổ truyền sẽ còn gặp nhiều khó khăn và như vậy, tình trạng thiếu thuốc vẫn khó giải quyết trong thời gian tới.