Quảng Bình liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao

Ðể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, vụ lúa đông xuân 2021-2022, tỉnh Quảng Bình thực hiện các mô hình liên kết sản xuất giống lúa mới, chất lượng cao gắn với tiêu thụ sản phẩm. Không chỉ tạo ra sản phẩm lúa gạo sạch, thân thiện với môi trường mà cách làm này góp phần làm thay đổi nhận thức về sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa mang lại hiệu quả cao cho người nông dân.

Cán bộ kỹ thuật Tổng công ty Sông Gianh kiểm tra sự sinh trưởng và phát triển của lúa ST25 tại xã Quảng Tiên, thị xã Ba Ðồn.
Cán bộ kỹ thuật Tổng công ty Sông Gianh kiểm tra sự sinh trưởng và phát triển của lúa ST25 tại xã Quảng Tiên, thị xã Ba Ðồn.

Là tỉnh Bắc Trung Bộ có bề ngang hẹp nhất nước, địa hình dốc và bị chia cắt bởi hệ thống sông, suối cho nên diện tích trồng lúa ở Quảng Bình nhỏ hẹp. Ðồng ruộng manh mún, vì thế tư duy sản xuất cũng theo kiểu “xưa bày nay làm” với các giống lúa cũ, năng suất không cao. Kể từ khi Quảng Bình triển khai dồn điền đổi thửa, tạo nên các cánh đồng lớn, cùng với sự tham gia của doanh nghiệp, việc sản xuất lúa chất lượng cao mới có sự chuyển biến đáng kể, mở ra cách thức làm ăn mới cho người nông dân nơi đây.

Vụ đông xuân 2021-2022, Công ty TNHH một thành viên Giống cây trồng Quảng Bình phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy, thực hiện mô hình liên kết sản xuất lúa gắn với tiêu thụ sản phẩm trên diện tích hơn 500ha. Mô hình sử dụng giống lúa QS88, chất lượng gạo thơm ngon, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và có khả năng chống chịu rét, ít bị đổ ngã. Ông Ðặng Hữu Hùng ở thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết: “Gia đình gieo gần 1ha lúa giống QS88 theo hướng dẫn của Công ty Giống cây trồng Quảng Bình.

Vụ đông xuân năm nay mưa liên tục làm nước ngập hai lần nhưng cuối vụ lúa vẫn đạt năng suất hơn 70 tạ/ha. Ðược công ty bao tiêu sản phẩm cho nên giá bán cao hơn bán ra thị trường và đầu ra ổn định là nông dân mừng rồi”. Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tuy Lộc Ðặng Ngọc Thắng, năm nay thời tiết có nhiều bất lợi đối với sản xuất nông nghiệp, vụ đông xuân mà lúa ngập úng, gãy đổ nhiều. Tuy nhiên, đối với giống lúa QS88 thì bị sâu bệnh rất ít, thân cây có khả năng chống chịu dông lốc tốt hơn. Ðó cũng là tiền đề và tiềm năng cho sản xuất vụ sau.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Giống cây trồng Quảng Bình Nguyễn Xuân Kỳ cho biết, doanh nghiệp thực hiện nhiều chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo gắn với bao tiêu sản phẩm ở hai huyện trọng điểm lúa của tỉnh là Lệ Thủy và Quảng Ninh. Ðơn vị cung ứng 100% giống, phân bón và cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cho bà con nông dân canh tác theo hướng hữu cơ. Công ty thu mua toàn bộ lúa tươi ngay tại ruộng mức cao hơn một giá so với thị trường. Hiệu quả mô hình liên kết tăng từ 25% đến 30% so với cách sản xuất trước đây của người dân.

Với mục tiêu liên kết sản xuất lúa gạo bền vững, xây dựng nguồn nguyên liệu đạt chuẩn cho thương hiệu “Gạo quê Ðại tướng”, công ty tiếp tục phối hợp với các địa phương mở rộng diện tích canh tác theo hướng hữu cơ, thực hiện quy trình chế biến gạo, đóng gói nhãn hiệu theo tiêu chuẩn, quy định trong nước cũng như phục vụ cho việc xuất khẩu. Hiện, công ty đang triển khai đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Gạo quê Ðại tướng” tại Cục sở hữu trí tuệ. Loại gạo QS88 là sản phẩm gạo đầu tiên do công ty sản xuất mang thương hiệu “Gạo quê Ðại tướng”- ông Kỳ nói.

Cùng với cách làm tương tự, vụ đông xuân năm nay, Tổng công ty Sông Gianh phối hợp với xã Quảng Tiên, thị xã Ba Ðồn thực hiện dự án liên kết kinh doanh lúa gạo hữu cơ ST25 trên diện tích 26ha. Ðây là mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với sản phẩm OCOP. Tổng công ty Sông Gianh cung cấp giống lúa ST25, phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học và hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho bà con nông dân. Kỹ sư nông nghiệp Trần Quang Huy, cán bộ chỉ đạo mô hình cho biết, người dân lâu nay quen với biện pháp canh tác cũ cho nên khi sản xuất theo quy trình mới có phần bỡ ngỡ. Vì thế, cán bộ kỹ thuật bám đồng ruộng hướng dẫn người dân kiểu “bắt tay chỉ việc”, nhất là tư vấn cho họ cách sử dụng các loại phân bón hữu cơ theo chu kỳ cây trồng để bảo đảm cho cây lúa phát triển tốt, đạt năng suất cao.

Ông Trần Văn Trực, Trưởng thôn Tiên Phan, xã Quảng Tiên cho biết, toàn thôn có 102 hộ tham gia lần đầu liên kết sản xuất với Tổng công ty Sông Gianh với giống lúa ST25. Nông dân rất vui với cách làm mới này, bởi giống lúa gạo ngon nhất thế giới ST25 họ mới thấy trên truyền hình, nay được tận tay sản xuất nên ai cũng háo hức. Với năng suất gần 70 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay ở Quảng Tiên, giống lúa ST25 khẳng định được tiềm năng trên đồng đất bên dòng sông Gianh. Ðiều mà nông dân mừng hơn nữa là đầu ra đã được giải quyết chắc chắn. Theo lãnh đạo Tổng công ty Sông Gianh, giá mua lúa tươi ST25 ngay tại ruộng là 7 triệu đồng/tấn, cao hơn 500 nghìn đến 700 nghìn đồng so với các giống lúa khác.

Ngoài giá mua cao, doanh nghiệp còn đặt hàng bao đựng lúa tặng cho người dân và hỗ trợ chi phí vận chuyển lúa từ chân ruộng về đến điểm thu mua. Với giá thu mua trên, Trưởng thôn
Tiên Phan Trần Văn Trực tính toán, nông dân thu được khoảng 50 triệu đồng/ha, trừ chi phí thì có lãi gần 30 triệu đồng/ha. Ngoài ra, làm lúa hữu cơ thì bảo đảm được sức khỏe cho nông dân, sản phẩm gạo mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng. Vì vậy, mong doanh nghiệp mở rộng diện tích liên kết để người dân giảm bớt khó khăn trong thời điểm giá các loại vật tư, phân bón tăng cao hiện nay.

Chủ tịch UBND thị xã Ba Ðồn Ðoàn Minh Thọ cho biết, trong quá trình thực hiện chuỗi liên kết, Tổng công ty Sông Gianh trực tiếp phân phối phân bón, đưa cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu làm đất, chăm sóc đến thu hoạch. Từ thành công của cách làm này, thị xã Ba Ðồn tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp mở rộng chuỗi liên kết trên địa bàn, góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình Trần Ðình Hiệp, ngoài giống lúa QS88, ST25, các địa phương trong tỉnh liên kết với các doanh nghiệp đưa một số giống lúa mới vào trồng khảo nghiệm tại các chân ruộng đưa lại những kết quả khả quan, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc xây dựng thành công các mô hình này mở ra hướng liên kết mới, chặt chẽ trong sản xuất nông nghiệp, gắn được quyền lợi nhà nông và doanh nghiệp một cách hài hòa, bền vững. Ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh luôn khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết với nông dân, hình thành các chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao, từng bước xây dựng thương hiệu gạo của Quảng Bình.