Quảng Bình: Khi đảng viên biên phòng về bản

Ðể giúp các vùng sâu, vùng xa xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và xóa đói nghèo, từ nhiều năm nay, tỉnh Quảng Bình đã đưa nhiều cán bộ, chiến sĩ biên phòng về làm phó bí thư đảng ủy phụ trách cơ sở và tham gia sinh hoạt tại chi bộ bản các xã biên giới. Nhờ vậy, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng ở các xã vùng biên được nâng cao, nhiều lĩnh vực có sự chuyển biến tốt.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trời chuyển sang thu nên dịu mát hơn. Tuyến đường độc đạo vào các bản của đồng bào Rục ở xã biên giới Thượng Hóa, huyện Minh Hóa đẹp nhờ những vạt hoa xuyến chi bung nở trắng bên đường. Ðón chúng tôi tại nhà cộng đồng bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa là Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Cao Xuân Long và Thượng úy Ðinh Lâm Viên, cán bộ Ðồn biên phòng Cà Xèng, Phó Bí thư Chi bộ bản.

Bí thư Chi bộ Cao Xuân Long cho biết, từ khi được tăng cường về làm Phó Bí thư Chi bộ bản, đồng chí Ðinh Lâm Viên đã hỗ trợ cấp ủy duy trì các buổi sinh hoạt đảng theo quy định, hệ thống sổ sách ghi chép cũng đầy đủ hơn. Cùng với đó là hướng dẫn, vận động đảng viên và nhân dân phát triển sản xuất để tạo lập cuộc sống. Mặt thuận lợi là Thượng úy Ðinh Lâm Viên được giao phụ trách ruộng lúa nước Rục Làn nên trong khi sinh hoạt chi bộ hay về với dân bản, anh đều lồng ghép vận động dân bản tham gia trồng lúa nước.

Ðồng chí cùng với các chiến sĩ biên phòng vận động, giúp đỡ từng hộ chặt cây, rào vườn ngăn gia súc, làm đất để trồng rau phục vụ cho cuộc sống gia đình. Cứ như vậy, đồng bào Rục từ chỗ sống nhờ búp măng, củ sắn trên rẫy, nay đã biết tự lập sản xuất và có ý chí vươn lên trong cuộc sống.

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Hồ Thị Pấy ở bản Mò O Ồ Ồ. Bên cạnh ngôi nhà do Nhà nước hỗ trợ xây dựng, bà Pấy còn làm ngôi nhà gỗ khang trang, trong nhà chứa nhiều bao lúa, gạo, mà theo lời của bà, đó là lúa từ cánh đồng Rục Làn. Trong nhà có nhiều trang, thiết bị mới để phục vụ cuộc sống, chứng tỏ gia đình bà Pấy đã biết chăm lo làm lụng để vượt qua nghèo đói.

Thượng úy Ðinh Lâm Viên cho biết thêm, nhờ mạnh dạn vay vốn để trồng rừng và chăn nuôi, nhiều hộ ở bản Mò O Ồ Ồ không chỉ đủ ăn mà còn có tích lũy. Vừa qua, một số hộ đồng bào Rục đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo.

Lên xã biên giới Hóa Sơn lần này, chúng tôi không còn gian nan vượt qua eo Lập Cập trên con đường xuyên qua núi đá mà thay vào đó là tuyến đường bê-tông uốn lượn nối trung tâm xã với đường Hồ Chí Minh. Bây giờ, xã rẻo cao này đang dần trở thành điểm sáng trong công tác xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị vững mạnh, cũng như phát triển kinh tế của huyện Minh Hóa.

Trong thành tích chung đó có sự đóng góp không nhỏ của những người lính quân hàm xanh đang ngày đêm bám địa bàn để bảo vệ vùng biên và đồng hành với đồng bào các dân tộc trong hành trình xóa đói nghèo.

Bí thư Ðảng ủy xã Hóa Sơn Ðinh Minh Tâm cho biết, Trung tá Nguyễn Minh Việt, cán bộ Ðồn biên phòng Cà Xèng được tăng cường về xã giữ chức Phó Bí thư Ðảng ủy từ nhiệm kỳ trước. Những ngày đầu mới về xã công tác, đồng chí còn bỡ ngỡ, nhưng khi tiếp cận được thì giải quyết công việc rất nhanh. Không chỉ tham mưu cho Ðảng ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh vùng biên giới, đồng chí Minh Việt đã hỗ trợ tích cực cho Thường trực Ðảng ủy mảng tổng hợp, xây dựng báo cáo định kỳ.

Khi xuống cơ sở, đồng chí có nhiều kinh nghiệm vận động quần chúng nên cũng thuận lợi và tạo được niềm tin với quần chúng nhân dân. Trung tá Minh Việt chia sẻ: “Dù đã nhiều năm công tác trong lực lượng bộ đội biên phòng, nhưng bản thân chưa được tập huấn, bồi dưỡng nhiều về nghiệp vụ xây dựng Ðảng, do vậy khi được bầu giữ chức Phó Bí thư Ðảng ủy phụ trách cơ sở, tôi phải đọc nhiều văn kiện, tài liệu của Ðảng, hướng dẫn của cấp ủy các cấp về nghiệp vụ công tác đảng để phục vụ cho công việc. Trong công tác vận động quần chúng, tôi luôn tự tin bởi mình đã nhiều năm tiếp xúc, cùng ăn, cùng ở với đồng bào các dân tộc vùng biên giới nên hiểu và dễ chia sẻ cùng với bà con”.

Trung tá, Phó Bí thư Ðảng ủy xã Hóa Sơn Nguyễn Minh Việt cùng chúng tôi lên thăm vùng rừng trồng ở bản Hóa Lương. Bí thư Chi bộ bản Cao Xuân Thành giới thiệu, trồng rừng bằng cây keo kết hợp chăn nuôi đang là hướng đi xóa nghèo vững chắc đối với bà con người Chứt ở đây. Gần đây, giá thu mua gỗ rừng trồng tăng khá cao nên thu nhập bà con trồng rừng tăng lên.

Theo đồng chí Nguyễn Minh Việt, bên cạnh việc trồng rừng sử dụng giống keo giâm hom, thì xã đang hướng dẫn, hỗ trợ người dân trồng bằng giống nuôi cây mô để vừa sinh trưởng nhanh, chất lượng gỗ tốt, vừa tăng sự chống chịu mỗi khi có gió bão. Mặt khác, xã hướng dẫn người dân trồng rừng gỗ lớn bằng cách tỉa thưa và kéo dài thời gian sinh trưởng của cây lên 8-10 năm để tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích rừng.

Nói về vai trò của đảng viên biên phòng ở cơ sở, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa Bùi Anh Tuấn cho biết, trước đây, nhiều chi bộ đảng ở vùng sâu, biên giới gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, từ khi có đảng viên bộ đội biên phòng về sinh hoạt đã hỗ trợ về nhiều mặt, từ cách thức điều hành cuộc họp chi bộ, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Ðảng, đưa việc sinh hoạt chi bộ đi vào nền nếp, tạo sự đoàn kết nội bộ. Các chi bộ cũng đã ban hành các nghị quyết sát đúng với đặc thù của từng địa bàn để phát triển kinh tế, ổn định đời sống và xây dựng bản làng văn hóa.

Ðại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, khu vực biên giới của tỉnh có 108 thôn, bản, với tổng dân số 8.748 hộ và 36.269 khẩu, chủ yếu là dân tộc Chứt và Bru-Vân Kiều. Dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng nhìn chung đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn và nhiều hủ tục. Chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các xã biên giới còn hạn chế.

Vì thế, Ðảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình thực hiện đề án “Tăng cường cán bộ đảm nhiệm chức danh phó bí thư đảng ủy phụ trách cơ sở và giới thiệu đảng viên biên phòng về sinh hoạt đảng tại một số chi bộ bản thuộc các xã biên giới phía tây của tỉnh” nhằm củng cố tổ chức đảng, tham gia giúp dân phát triển kinh tế-xã hội và bảo bảo đảm quốc phòng-an ninh ở khu vực biên giới.

Ðến nay, Ðảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã lựa chọn, bố trí tám lượt cán bộ bộ đội biên phòng giữ chức danh phó bí thư đảng ủy cơ sở tại năm xã biên giới, hai cán bộ tăng cường xã không giữ chức danh và giới thiệu 136 lượt đảng viên các đồn biên phòng về tham gia sinh hoạt tại 40 chi bộ bản khó khăn thuộc bảy xã biên giới.

Từ năm 2020, thực hiện chủ trương của Ban Bí thư về chủ trương tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ đồn biên phòng ở khu vực biên giới, hải đảo, Quảng Bình đã tăng thêm bảy ủy viên ban chấp hành đảng bộ bảy huyện, thị xã, thành phố và 11 cán bộ đồn biên phòng tham gia ban chấp hành đảng bộ các xã, phường ven biển. Các cán bộ, đảng viên được phân công tham gia cấp ủy cơ sở và sinh hoạt ở chi bộ bản các xã biên giới, ngoài việc giúp tổ chức đảng ở cơ sở thực hiện tốt vai trò của mình, thông qua sinh hoạt chi bộ, đảng viên biên phòng còn nắm bắt sát, đúng tình hình ở địa phương.

Từ đó, đảng viên bộ đội biên phòng có điều kiện đưa chủ trương của Ðảng đến với nhân dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân phản ánh với cấp ủy, chính quyền, tạo nên cầu nối gắn kết giữa Ðảng, chính quyền với nhân dân; đồng thời tham mưu cấp ủy, chỉ huy đơn vị tổ chức quản lý, bảo vệ biên giới ngày càng tốt hơn.