Bằng những giải pháp hợp lý, địa phương đang chào đón, thu hút nhà đầu tư để khai mở tiềm năng, hướng tới trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước.
Với địa thế biển rừng gần nhau, độ che phủ của rừng đứng thứ hai cả nước, bờ biển dài 116km, Quảng Bình được đánh giá là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…
Theo Sở Công thương Quảng Bình, nằm trong vành đai nhiệt đới bắc bán cầu, chế độ nhiệt của Quảng Bình thể hiện tính chất nhiệt đới gió mùa, với một nền nhiệt độ cao và phân bố khá đồng đều quanh năm.
Tổng lượng bức xạ từ 1.256,04 đến 1.418,86 kWh/m2/năm; số giờ nắng ở vùng đồng bằng ven biển từ 1.650 đến 1.820 giờ; cường độ bức xạ trung bình 4,03-4,5kWh/m2/ngày.
Các số liệu này cho thấy, tỉnh có nhiều tiềm năng về phát triển điện mặt trời. Theo Sở Công thương Quảng Bình, tổng công suất dự án điện mặt trời mà địa phương đăng ký vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia là 1.241MWp.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu và đầu tư các dự án điện mặt trời tại Quảng Bình.
Đến nay, Công ty TNHH năng lượng xanh Dohwa (Hàn Quốc) đầu tư và đưa vào vận hành giai đoạn 1 Nhà máy điện mặt trời tại xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy với công suất 49,5MWp.
Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp khác như Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đăng ký đầu tư dự án tại xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy đã trình hồ sơ cho Bộ Công thương thẩm định, phê duyệt bổ sung vào quy hoạch.
Công ty cổ phần xây dựng Trường Xuân đang thực hiện khảo sát, lập hồ sơ đầu tư dự án điện mặt trời cũng ở huyện Lệ Thủy. Nhiều nhà đầu tư khác như: Solar Pacifico (Hàn Quốc), Solar Philippines cũng đang tìm hiểu nghiên cứu phát triển các dự án điện mặt trời tại địa phương.
Bên cạnh đó, Quảng Bình là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng về phát triển điện gió. Qua khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, vận tốc gió vùng ven biển bình quân 5,5-6,0m/s, vùng núi 6,2-7m/s.
Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với các đơn vị triển khai lập quy hoạch phát triển điện gió mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp năng lượng sạch ở địa phương nhiều nắng, nhiều gió này.
Hiện có bốn nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án và được chấp thuận, trong đó có dự án đã hoàn thành và đi vào vận hành.
Đó là dự án Cụm trang trại điện gió B&T, gồm hai trang trại điện gió BT1 và BT2, tổng công suất 252MW, tổng vốn đầu tư hơn 8.113 tỷ đồng đã phát điện thương mại vào tháng 10/2021.
Mỗi năm, cụm trang trại điện gió này sản xuất 648 triệu kWh điện năng lượng sạch (tương đương 60% lượng điện tiêu thụ của toàn tỉnh Quảng Bình) và góp phần giảm 581 nghìn tấn CO2.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cho biết, với tiềm năng điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời và điện khí, Quảng Bình xác định phát triển năng lượng tái tạo là một trong những ngành kinh tế trọng tâm của tỉnh.
Việc xây dựng các dự án điện mặt trời, điện gió, nhất là các dự án quy mô công nghiệp là một trong những nỗ lực trong thu hút đầu tư của tỉnh nhằm giảm nhẹ sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, bảo vệ môi trường, góp phần tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng bền vững.
Đầu năm 2020, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy Quảng Bình đã ban hành Chương trình hành động, trong đó đề ra mục tiêu cụ thể: "Cân đối cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trên địa bàn tỉnh và đóng góp cho nhu cầu phát triển năng lượng quốc gia; phát triển đa dạng các loại hình năng lượng, ưu tiên phát triển điện khí, năng lượng tái tạo và năng lượng sạch".
UBND tỉnh Quảng Bình cũng xây dựng kế hoạch thực hiện nhằm tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng thu hút các nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát, đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn.
Tỉnh Quảng Bình cam kết chủ trương "trải thảm đỏ" thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển năng lượng sạch với nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi về hỗ trợ đầu tư, như: Ưu đãi về vốn, thuế, phí, hạ tầng đất đai, hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phụ trợ, ưu đãi cơ chế hỗ trợ mua điện từ các dự án điện gió và hỗ trợ giúp kinh phí đào tạo nguồn lao động chất lượng cao.
Hiện, tỉnh Quảng Bình đang cho phép các nhà đầu tư khảo sát 25 dự án điện gió với tổng công suất 6.000MW, trên cơ sở đó xem xét, đề nghị bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Trong số này, có sáu dự án điện gió ngoài khơi và 16 dự án trên đất liền.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư trong đó có tập đoàn lớn về điện gió của Hà Lan đến tìm hiểu cơ hội đầu tư điện gió ngoài khơi Quảng Bình.
Lãnh đạo tỉnh cam kết sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt sẽ xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến từ Hà Lan, mở ra các cơ hội hợp tác phát triển các dự án.
Cùng với đó, Công ty AMI AC Renewables, chủ đầu tư Cụm trang trại điện gió B&T hiện đại ở Quảng Bình đã có kế hoạch đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi ở địa phương này và biên giới Việt Nam- Lào.
Trên những đồi cát trập trùng ngút tầm mắt ở hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy của tỉnh Quảng Bình mọc lên nhiều cánh quạt khổng lồ vươn mình đón gió.
Những triền cát trắng khô cằn ven biển đang dần trở thành những "cánh đồng năng lượng" trải dài tít tắp.
Không những vậy, hệ thống quạt turbin nằm giữa mênh mông triền cát trắng trên nền trời xanh thẳm đã tạo nên khung cảnh hùng vĩ, điểm nhấn đẹp thu hút du khách đến với Quảng Bình.