Trước đó ngày 14/9, Nhân Dân điện tử có đăng bài “Nhà máy chế biến phải tạm ngưng, dân lo sắn thối do mưa ngập”, phản ánh sự lúng túng, chậm trễ của các ngành chức năng và bản thân các doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn tại tỉnh Quảng Bình trong việc tổ chức phương án sản xuất “3 tại chỗ” an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Điều này đã khiến nông dân rất lo lắng vì không thu hoạch sắn kịp thời vụ và nếu càng kéo dài thì thiệt hại càng lớn cho sản xuất nông nghiệp.
Ngay sau khi báo đăng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng đã có ý kiến chỉ đạo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình xem xét sự việc và chỉ đạo khẩn trương tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp sản xuất an toàn, qua đó hỗ trợ người trồng sắn giảm bớt khó khăn do dịch bệnh và thiên tai.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Quảng Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Mạnh Hùng cho biết, đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng khẩn trương hỗ trợ 2 nhà máy hoàn thành nhanh thủ tục “3 tại chổ” để đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất. Việc thu mua, chế biến kịp thời sắn nguyên liệu cho nông dân là định hướng chỉ đạo của tỉnh trong việc vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển sản xuất, góp phần ổn định đời sống cho người dân.
Lãnh đạo Nhà máy tinh bột Long Giang cho biết, ngày 16/9, Trung tâm y tế huyện Quảng Ninh đã thực hiện test nhanh và lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho cán bộ và công nhân lao động. Công ty đã thông báo thu mua sắn nguyên liệu cho nông dân với giá xô (không đo hàm lượng tinh bột) 2.000 đồng/kg, tức 2 triệu đồng/tấn.
“Hiện, nhà máy lên phương án sản xuất 3 ca liên tục để bảo đảm công suất chế biến 350 tấn nguyên liệu/ngày đêm. Việc thực hiện phòng, chống dịch được nhà máy đặc biệt chú trọng để an toàn cho người lao động và cộng đồng”- ông Lê Văn Thơ nói.
Nhà máy Sông Dinh cũng đang thu mua khoảng 1.000 tấn sắn cho nông dân huyện Bố Trạch để phục vụ chế biến tinh bột. Ngoài việc tổ chức tốt thu mua sắn nguyên liệu hỗ trợ cho nông dân, nhà máy cũng bảo đảm thực hiện 5K tạị nơi sản xuất và người lao động cam kết tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Hiện, các vùng trồng sắn nguyên liệu của tỉnh Quảng Bình đã chuyển sang trạng thái phòng, chống dịch mới theo Chỉ thị số 15 và Chỉ thị 19, tạo nhiều thuận lợi cho người dân đi thu hoạch sắn. Chính quyền các xã chỉ đạo và tổ chức thu hoạch theo kiểu cuốn chiếu, dứt điểm từng vùng. Người dân vui mừng vì với mức gia thu mua hiện nay, bà con có lãi 20-25 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí.