Quảng Bình bàn giao toàn bộ mặt bằng xây dựng đường bộ cao tốc bắc-nam trước 30/6

Dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025 qua tỉnh Quảng Bình gồm 3 dự án thành phần, với tổng chiều dài hơn 126km, tổng mức đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng (đứng giữa) tặng quà cho cán bộ, công nhân thi công cao tốc bắc-nam đoạn Bùng-Vạn Ninh. (Ảnh HƯƠNG GIANG)
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng (đứng giữa) tặng quà cho cán bộ, công nhân thi công cao tốc bắc-nam đoạn Bùng-Vạn Ninh. (Ảnh HƯƠNG GIANG)

Hiện, UBND các huyện, thị xã, thành phố hoàn thành công tác trích đo hiện trường đạt 100% và bàn giao hơn 70% diện tích mặt bằng các gói thầu xây lắp. Để bảo đảm tiến độ của dự án, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan tập trung cao độ, quyết liệt giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để bàn giao 100% mặt bằng xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc-nam trước ngày 30/6; khẩn trương lập, phê duyệt dự án đầu tư các khu tái định cư, khu nghĩa trang.

Các ngành thực hiện các bước chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế; đẩy nhanh tiến độ di dời công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án.

Khánh Hòa đẩy mạnh chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu khắc phục các hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2023. Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành kế hoạch hành động chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4 trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu của kế hoạch là triển khai đồng bộ, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các bất cập, hạn chế theo khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2023, đồng thời, quản lý khai thác và phát triển bền vững ngành thủy sản vì lợi ích của người dân, của quốc gia; nâng cao vị thế, hình ảnh, trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế trong bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển bền vững; góp phần bảo đảm quốc phòng-an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc…

Hai tỉnh Quảng Bình và Sakon Nakhon (Thái Lan) tăng cường hợp tác

Hội nghị hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác giữa hai tỉnh Quảng Bình và Sakon Nakhon (Thái Lan) vừa được tổ chức tại tỉnh Sakon Nakhon. Hội nghị nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai tỉnh sau thời gian bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19.

Tại hội nghị, đại diện chính quyền hai tỉnh đã trao đổi về các lĩnh vực có triển vọng hợp tác, cũng như phương hướng phối hợp nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai địa phương. Với sự hỗ trợ, phối hợp của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Khon Kaen và Hội người Thái gốc Việt tỉnh Sakon Nakhon, các doanh nghiệp của hai tỉnh Quảng Bình và Sakon Nakhon đã tiến hành buổi kết nối doanh nghiệp, giới thiệu các sản phẩm, trao đổi thông tin, tìm hiểu cơ hội hợp tác. Doanh nghiệp hai nước đã ký 16 bản ghi nhớ hợp tác.

Phát triển Kinh doanh bền vững qua kết nối chuỗi giá trị

Tại thành phố Đông Hà (Quảng Trị), Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) vừa tổ chức diễn đàn đa bên kết hợp đi thực tế với chuyên đề “Phát triển kinh doanh bền vững qua kết nối tốt hơn với chuỗi giá trị”. Mục đích của diễn đàn nhằm tạo cơ hội chia sẻ, nắm bắt nhu cầu, cơ hội và thách thức của cộng đồng doanh nghiệp qua làm việc với một số mô hình kinh doanh gắn với thiên nhiên đầy triển vọng.

Theo đó, các bên cùng thiết kế và nhân rộng các chương trình hỗ trợ và đầu tư phù hợp vào các dự án thuận thiên tại vùng cảnh quan Trung Trường Sơn. Tổ chức WWF Việt Nam đang có một số dự án hoạt động tại địa bàn tỉnh Quảng Trị và tham gia tổ chỉ đạo, hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết cà-phê với vai trò là thành viên tư vấn kỹ thuật.

Quảng Bình bàn giao toàn bộ mặt bằng xây dựng đường bộ cao tốc bắc-nam trước 30/6 ảnh 1

Khu công nghệ cao Đà Nẵng (Ảnh ĐÀO ANH)

Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng cho biết, năm 2022, tổng số vốn giải ngân toàn thành phố đạt 6.345 tỷ đồng, bằng 115% kế hoạch Trung ương giao (cao hơn mức bình quân cả nước 93%) và đạt 85% kế hoạch HĐND thành phố giao. Tổng kế hoạch vốn còn lại của thành phố năm 2022 không giải ngân hết gồm cả vốn kéo dài năm 2021 chuyển sang và dự toán giao năm 2022 là 1.182 tỷ đồng.

Năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư công của thành phố giao là hơn 7.947 tỷ đồng. Đà Nẵng đặt mục tiêu hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm. Trong đó, đề ra mục tiêu giải ngân đến ngày 30/4/2023 đạt 12%; ngày 30/6/2023 đạt 30%; ngày 30/9/2023 đạt 50%; ngày 31/12/2023 đạt 80%; ngày 31/1/2024 đạt 100% kế hoạch vốn được giao.

Hiện, Đà Nẵng đã bố trí vốn thanh toán 30 công trình, dự án động lực với tổng quy mô là 2.407 tỷ đồng, bằng 30,3% tổng kế hoạch vốn và bằng 40,2% kế hoạch vốn xây dựng cơ bản đã phân bổ. Đến hết ngày 31/1/2023, các chủ đầu tư, quản lý các dự án và các đơn vị được giao kế hoạch vốn xây dựng đã phân bổ chi tiết 5.824,323 tỷ đồng.